Hạt nhân Nga ngoài tầm với

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kể từ khi khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã phải hứng chịu 9 vòng trừng phạt kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU).

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, bất chấp các yêu cầu từ Ukraine, đến nay lĩnh vực hạt nhân của Nga vẫn chưa bị cấm vận.

Trong chuyến thăm châu Âu hồi đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra 3 yêu cầu cơ bản với EU, trong đó đề nghị có thêm một vòng trừng phạt Nga đặc biệt liên quan đến hạt nhân.

Ông Zelensky viện dẫn lý do Nga đã “tạo ra một mối đe dọa về thảm họa phóng xạ tại châu Âu” trong khi ngành công nghiệp hạt nhân của nước này lại chưa phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Nhưng trong tuyên bố mới nhất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về việc EU sẽ giáng đòn trừng phạt thứ 10 vào Nga, để đánh dấu một năm chiến sự nổ ra vào ngày 26/2, vẫn không đề cập đến lĩnh vực hạt nhân.

EU vẫn chủ yếu nhắm vào mục tiêu kinh tế, hạn chế kim ngạch xuất khẩu của Nga nhằm hướng tới cắt giảm nguồn thu cho bộ máy quân sự của Nga.

Một trong những đối tượng chính trong ngành công nghiệp hạt nhân của Nga mà giới chức Ukraine đang kêu gọi trừng phạt là công ty năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Rosatom.

Kể từ khi được thành lập năm 2007, Rosatom hiện vươn lên trở thành một trong những nhà cung cấp uranium làm giàu và lò phản ứng hạt nhân hàng đầu thế giới.

Rosatom đang có 34 dự án xây dựng tại các quốc gia, đồng thời cũng đang chịu trách nhiệm kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền Đông Ukraine.

Ủy ban châu Âu giải thích việc Rosatom không có trong danh sách trừng phạt của EU là do sự đồng thuận chính trị không đủ cao trong khối. Ngoài ra, khối này cũng chưa tìm ra bất kỳ ràng buộc rõ ràng nào giữa Rosatom và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Hồi tháng 9/2022 khi EU đang chuẩn bị vòng trừng phạt thứ 7 lên Nga, nhóm 5 quốc gia gồm Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ireland cũng từng đề xuất cấm hợp tác với Nga về mảng năng lượng hạt nhân, nhưng không được thông qua.

Cho đến nay việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân của Nga vẫn được miễn trừ hoàn toàn khỏi các lệnh cấm liên quan đến các tàu buôn của Nga trên các cảng tại châu Âu.

Trái với sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, châu Âu đang không phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung uranium từ Nga. Theo số liệu từ cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) năm 2021, Nga là nhà cung cấp uranium lớn thứ 3 của EU với 19,7% thị phần, đứng sau Niger (24,3%) và Kazakhstan (23%). Tuy nhiên, EU lại đang phụ thuộc vào Nga về các lò phản ứng hạt nhân.

Tính tới hiện tại, 5 quốc gia thành viên EU đang vận hành 19 lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất, trong đó có 6 ở Czech, 5 ở Slovakia, 4 ở Hungary, 2 ở Phần Lan và 2 ở Bulgaria. 15/19 lò phản ứng này thuộc mẫu VVER-440 trong khi 4 lò phản ứng còn lại là mẫu VVER-1000.

Do dòng VVER là mẫu lò phản ứng được thiết kế và phát triển bởi OKB Gidropress, một công ty con do Rosatom kiểm soát, nên công ty này vẫn là “nhà sản xuất duy nhất trên thế giới” có khả năng bảo dưỡng các tổ hợp điện hạt nhân nói trên.

Trong khi đó, năng lượng hạt nhân vẫn đang chiếm một phần đáng kể trong sản xuất điện tại các nước này, ví dụ như 32,8% ở Phần Lan và 52,3% ở Slovakia.

Do đó, nếu một lệnh cấm hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân sẽ chắc chắn vấp phải sự phản đối của Hungary và một số nước khác. Dù muốn hay không, các vòng trừng phạt của EU nhằm vào Nga sẽ vẫn có những lĩnh vực họ chưa thể đụng tới, trong đó có hạt nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ