(GD&TĐ) - 59 đã năm đi qua kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Những trận chiến oanh liệt, những câu chuyện “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” lại ào ạt trào về làm sống động ký ức của những người lính Điện Biên năm nào.
Thành thông lệ, cứ đầu tháng Năm, trong căn nhà nhỏ yên bình của ông Nguyễn Văn Uy (xóm 2, Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An), những người lính Điện Biên năm xưa lại cùng nhau ngồi bên ấm chè xanh, ôn lại kỷ niệm xưa.
Tay bắt mặt mừng, những mái đầu đã bạc, dáng đi cũng không còn nhanh nhẹn như trước, song khi những đồng đội được gặp nhau, ký ức về những năm tháng gian khổ nhưng oai hùng ấy vẫn sáng rõ như mới ngày nào. Những địa danh thân thuộc: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... với những người lính ấy không chỉ gợi nhớ về miền Tây Bắc tươi đẹp mà còn ẩn chứa bao kỷ niệm gian khó mà anh dũng.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Phan Văn Chế là một Trung đội trưởng của Đại đội 245, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141 thuộc Đại đoàn 312. Tiểu đoàn 11 của cụ được giao nhiệm vụ tiến công đồi Him Lam, mở màn cho chiến dịch. “Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, các trận địa pháo của ta với hàng trăm khẩu vây chặt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nổ súng bắn cứ điểm của địch. 18 giờ, hàng rào thép gai thứ nhất được mở nhưng quân ta phải chấp nhận hy sinh 3 người. Hàng rào thứ hai do tiểu đội tôi nhận phá mở. Nhưng khi 2 chiến sỹ trong tiểu đội vừa chạy lên đã bị địch bắn, đồng chí thứ 3 vừa ôm bộc phá lên đến bờ rào thì cũng hy sinh. Người thứ tư là tôi được giao nhiệm vụ ôm bộc phá mở hàng rào thứ hai. Lúc đó, trong tôi không một chút sợ hãi, không một tý nao núng, chỉ hừng hực chí quyết tâm, lòng căm thù và ý muốn trả thù cho ba đồng đội vừa ngã xuống. Và tôi đã thành công, mở toang hàng rào thứ hai của địch, mở đường cho quân ta tiến vào trong”, cụ bồi hồi nhớ lại.
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Ảnh: TL |
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Diễn Châu có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường. Và trong chiến thắng lẫy lừng ấy có những chiến công thầm lặng của biết bao con người bình dị. Những người lính già tự nhận mình chỉ góp chút công sức ít ỏi vào biển người trong chiến dịch. Giờ đây, ở tuổi trên dưới bát tuần, họ ngồi lại bên nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện cuộc đời chiến sĩ Điện Biên hết sức mộc mạc và tự hào.
Ông Nguyễn Văn Uy, Trưởng ban liên lạc Chiến sỹ Điện Biên Phủ huyện Diễn Châu cho biết: “Hiện tại, toàn huyện có khoảng 30 người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống, người ít tuổi nhất đã xấp xỉ 80. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban liên lạc tổ chức gặp mặt, ôn lại những tháng ngày gian khổ, hào hùng đó. Đồng thời, là nhân chứng sống kể lại cho các cháu thanh, thiếu niên địa phương nghe về các trận đánh ở Điện Biên Phủ, về tinh thần dũng cảm, những hy sinh, mất mát của cha anh, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ”.
Bao giờ cũng vậy, câu chuyện về Điện Biên của những người lính già lại sôi động hơn khi các cụ cùng nhau mang ra kỷ vật Bác Hồ đã tặng cho các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên là chiếc cốc và chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”. Những chiếc cốc tuy đã cũ nhưng còn nguyên, được giữ gìn cẩn thận. Có lẽ, những ký ức về cuộc đời chiến sĩ Điện Biên và tình cảm cao đẹp của “anh bộ đội Cụ Hồ” đã khiến các cụ sống vui khỏe, làm gương cho con cháu. |
Còn với Đại tá Nguyễn Đồng (xóm 24, Nghi Phú, TP Vinh) thì Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành một phần đời ông. Cuộc đời quân ngũ của vị Đại tá già này trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh khác nhau. Nhưng với ông, một năm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là quãng thời gian đáng nhớ nhất. Khoảng giữa tháng 1/1954, ông mới được gọi ra tiền tuyến, có nhiệm vụ củng cố đơn vị sau giai đoạn kéo pháo. Giai đoạn này, vừa phải kéo pháo ra, vừa phải xây dựng lại lực lượng, củng cố tinh thần, giữ bí mật tuyệt đối và phải làm hầm cho pháo. Ròng rã hàng tháng trời, ăn gạo rang, muối vừng, thiếu rau, thiếu chất tươi nhưng vẫn ngày đêm khoét núi làm hầm trú ẩn cho người, cho pháo. “Càng đến mùa mưa, bao nhiêu vấn đề đặt ra, nào là chống sạt lở hầm hào; chống nước đọng trong giao thông hào; chống thấm dột nơi ngủ... Tất cả làm trong bí mật. Các chiến sĩ núp trong những đường hào dài dằng dặc bùn non ngập đến bụng chân. Đúng như thơ Tố Hữu viết: “Khoét núi, ngủ hầm/ Mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn”. Chúng tôi cũng không tưởng tượng được mình lại sống trong hào bùn hàng mấy chục ngày trời để đào hào, đánh giặc, không sợ hy sinh. Hai tháng rưỡi sống, làm việc dưới hầm, cách lòng chảo Mường Thanh chỉ độ 4 - 5km, vậy mà địch đâu có phát hiện ra. Phải nói, quân đội ta rất thông minh, gan dạ. Và Chiến thắng Điện Biên Phủ là tất yếu” ông tự hào kể. Đại tá Nguyễn Đồng cũng là người may mắn được chứng kiến giây phút địch cầm cờ trắng xin đầu hàng. “Sáng 7/5/1954, lúc đó, đang hoàn tất mọi thủ tục bàn giao giấy tờ, công việc lại cho anh em để đi dự hội nghị của Tổng cục Chính trị ở Việt Bắc thì bất ngờ đài quan sát báo tin: “Chiến dịch đã toàn thắng! Địch đã đầu hàng”. Thế là tất cả chạy ùa lên đài quan sát chứng kiến cảnh tượng địch cầm vải trắng đầu hàng, còn quân ta nhảy lên khỏi giao thông hào, hầm chiến đấu, cộng sự vui mừng reo hò chiến thắng. Cả đài quan sát có 2 ống nhòm, 2 pháo đối kính, mọi người thay nhau để tận mắt chứng kiến giây phút huy hoàng đó”.
Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng trong ký ức chiến sỹ Điện Biên Phủ Nguyễn Xuân Tính (Trung Đô, Vinh) cảnh tướng Đờ-cát và Bộ tham mưu tập đoàn viễn chinh Pháp ở cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt và quân ta hỏi cung vẫn luôn sống động. Ông nhớ rõ từng chi tiết, từng lời thoại. “Vào khoảng 5h30 chiều 7/5/1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn giải tướng Đờ-cát và bộ tham mưu giặc về đến sở chỉ huy Đại đoàn 312. Tôi và một số anh em biết tiếng Pháp được điều lên làm nhiệm vụ phiên dịch. Cán bộ ta hỏi Đờ-cát: “Chính ông tuyên bố “Điên Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm” và rải truyền đơn mời chúng tôi vào chơi trong cái bẫy đã giăng sẵn, giờ ông nghĩ thế nào về nơi đó? Đờ-cát trả lời: “Giờ tôi đã được gặp các ngài. Chúng tôi không ngờ các ngài đem được pháo hạng nặng lên Điên Biên Phủ và sử dụng có hiệu quả đến vậy”. “Tại sao Đại tướng Na-va cho phép các ông thực hiện kế hoạch phá vây chạy sang Lào, sao không thực hiện”. Đờ-cát chua chát nói: “Các ngài đã thắt chặt vòng vây và bố trí lực lượng đón lõng nên chúng tôi không thể mạo hiểm”. Cuộc hỏi cung ngắn gọn, sau đó tù binh Pháp được phân loại, giải riêng từng cấp về những nơi qui định”, ông Tính nhớ lại.
Minh Thanh