Theo Business Insider, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un và mới hôm 16/4 vừa qua, quốc gia bí ẩn này lại bí mật phóng một quả tên lửa song nó đã nổ khi rời bệ phóng vài giây.
Dù Bình Nhưỡng giờ đây đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới nhưng những thông tin xoay quanh người “chèo lái” quốc gia này vẫn cực kỳ hiếm. Dưới đây là một số ít những điều mà truyền thông thế giới khám phá được về ông Kim Jong Un, cũng như quá trình từ bé cho đến khi trưởng thành và trở thành một trong những nhà lãnh đạo cứng rắn nhất thế giới.
Kim Jong Un sinh vào ngày 8/1 năm 1982, 1983 hay 1984?
Cha của ông Kim Jong Un là cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il và mẹ là Ko Young Hee. Ông Kim Jong Un có một người anh trai ruột tên là Kim Jong Chul và một em gái Kim Yo Jong. Mặc dù theo thông tin từ Triều Tiên, năm sinh chính thức của ông Kim là 1982, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng năm sinh thực tế đã bị thay đổi vì một số lý do mang tính tượng trưng.
Cha mẹ của ông Kim Jong Un. Nguồn: Atimes
Tuy nhiên, trong thông tin về các lệnh trừng phạt mới đây đối với Bình Nhưỡng, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ghi thông tin về ông Kim là sinh ngày 8/1/1984.
Kim Jong Un sống cùng mẹ ở quê nhà khi còn bé
Trong quãng thời gian này, Triều Tiên đặt dưới sự lãnh đạo của “lãnh tụ vĩ đại” Kim Il Sung. Dù ông Kim Jong Il khi đó đã được công nhận là người thừa kế rõ ràng, nhưng con đường đến với vị trí chỉ huy tối cao của Kim Jong Un vẫn còn chưa được chắc chắn.
Ông Kim Jong Un hồi bé và mẹ ở quê nhà. Nguồn: Atimes
Sau quãng thời gian thơ ấu ở quê hương, ông Kim được gửi tới Thụy Sỹ để theo học một trường nội trú. Được gọi là “Pak Un” và được miêu tả là con trai của một nhân viên đại sứ quán Triều Tiên, ông Kim Jong Un được cho là đã học trường quốc tế sử dụng tiếng Anh ở Gümligen, gần Bern.
Những người bạn học miêu tả ông Kim là một học sinh ít nói, phần lớn thời gian là ở nhà nhưng ông cũng có khiếu hài hước. “Ông ấy khá hài hước, luôn là người biết cách pha trò cười”, Marco Imhof, bạn cùng lớp ông Kim cho Mirror biết.
“Ông ấy có khiếu hài hước, hòa đồng với mọi người, kể cả bạn học đến từ các nước được xem là kẻ thù của Triều Tiên. Chính trị là một điều cấm kỵ ở trường học, chúng tôi thường tranh luận về bóng đá chứ không phải là chính trị”, một người bạn học khác cho tờ Welt am Sonntag của Đức biết.
Kim Jong Un yêu bóng rổ và thần tượng Michael Jordan
Nhiều nguồn tin cho biết, khi còn học tại Thụy Sỹ, ông Kim đã treo rất nhiều ảnh của “ngôi sao” bóng rổ Michael Jordan khắp tường. Mặc dù có thân hình khá to béo, nhưng Kim Jong Un đã là một người chơi bóng rổ khá tốt khi mới 5-6 tuổi.
Ông Kim (khoanh tròn) chụp ảnh cùng các bạn cùng lớp ở Thụy Sỹ. Nguồn: Yonhap
“Ông ấy là một người chơi rất cạnh tranh, rất bùng nổ. Ông Kim là người kiến tạo các cơ hội và khiến trò chơi hào hứng hơn”, người bạn học tên Nikola Kovacevic chia sẻ với Mirror.
Trong khi đó, bạn học cùng ông Kim, Marco Imhof cũng cho biết: “Ông ấy không thích thua cuộc, giành chiến thắng là điều rất quan trọng”. Ông Kim cũng có một bộ sưu tập “đáng nể” những đôi giày thể thao của Nike.
Sau khi rời Thụy Sỹ, ông Kim học tại một trường quân sự trong nước
Khi quay trở về nước, ông Kim Jong Un đã theo học tại ĐH Quân sự Kim Il Sung cùng với anh trai của mình. Một số báo cáo cho rằng, hai anh em ông Kim đã theo cha tới giám sát các khu vực quân sự từ năm 2007.
Khi tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong Il yếu đi, Kim Jong Un nhanh chóng được đưa vào hàng ngũ lãnh đạo quân đội và chính trị dù chưa có nhiều kinh nghiệm. Theo BBC, khi đó ông Kim Jong Un được phong hàm tướng bốn sao, trở thành Chủ tịch Quân Ủy Trung ương của đảng Lao động Triều Tiên và là một thành viên của Ban chấp hành trung ương.
Ông Kim cũng có bài hát riêng
Bài hát mang tên “Footsteps” là bài hát tuyên truyền viết về ông Kim Jong Un. Lời bài hát kêu gọi người dân hãy theo sau “bước chân người chỉ huy Kim của chúng ta”.
Ông Kim Jong Un cũng có bài hát riêng. Nguồn: BI
Nhiều người Triều Tiên coi ông Kim là phiên bản hồi trẻ của “lãnh tụ vĩ đại” Kim Il Sung
Ông Kim Jong Un có ngoại hình rất giống với ông nội của mình, cố lãnh tụ Kim Il Sung, từ khuôn mặt, kiểu tóc cho đến phong cách. Nhiều tin đồn cho rằng ông Kim Jong Un đã phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống với ông nội mình, song Bình Nhưỡng đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên và cho rằng đó là sản phẩm tưởng tượng của giới truyền thông “rẻ tiền”.
Chân dung ông nội của ông Kim, cố lãnh tụ Kim Il Sung năm 1956. Nguồn: Wiki
Sau khi cha qua đời, ông Kim Jong Un được đưa lên làm “lãnh đạo tối cao”
Khi ông Kim Jong Il qua đời do đau tim ngày 17/12/2011, ông Kim Jong Un khi đó còn rất trẻ đã thừa hưởng lực lượng quân sự lớn nhất thế giới, một kho vũ khí hạt nhân và quyền lãnh đạo tối cao ở Triều Tiên.
Cố lãnh đạo Kim Jong Il qua đời năm 2011. Nguồn: BI
Ông Kim đã vượt qua anh trai mình là Kim Jong Chol, người bị miêu tả là “yếu ớt và nhu nhược”. Anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim là Kim Jong Nam cũng không được lựa chọn vì phát ngôn những điều tiêu cực về thể chế. Như vậy, khoảng 30 tuổi, ông Kim Jong Un trở thành nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trên thế giới.
Kết hôn với cựu ca sĩ và có hai con?
Các lãnh đạo của Triều Tiên thường khá kín tiếng khi nhắc đến các thành viên trong gia đình, nhưng ông Kim Jong Un lại thường xuyên đưa vợ tới các sự kiện công cộng và cho phép báo chí chụp ảnh.
Ông Kim thường xuyên đưa vợ tới các sự kiện công cộng. Nguồn: AP
Truyền thông Triều Tiên tiết lộ chính thức hồi tháng 7 năm ngoái rằng ông Kim đã kết hôn với Ri Sol Ju, cựu ca sĩ, nhưng không ai biết chính xác ngày tháng năm mà họ tổ chức lễ cưới. Tình báo Hàn Quốc cho rằng ông Kim kết hôn năm 2009 và đã có một con. Có tin đồn bà Ri Sol Ju đã sinh con năm 2012 và đó là con gái. Ngoài ra, còn có thêm tin đồn rằng, cặp đôi đã có con thứ hai năm 2015.
Ông Kim và cựu “ngôi sao” Chicago Bulls, Dennis Rodman
Các nguồn tin cho hay, mọi thành viên trong gia đình ông Kim đều là người hâm mộ của đội bóng rổ Chicago Bulls, Mỹ. Cha của ông Kim sở hữu một thư viện video về “mọi trận đấu mà Michael Jordan chơi cho Chicago Bulls”. Ông Kim Jong Il còn mời thành công Jordan tới thăm Triều Tiên năm 2001.
Ông Kim vui vẻ bên cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman. Nguồn: BI
Bản thân ông Kim Jong Un cũng có rất nhiều ảnh của Michael Jordan khi còn bé và đến năm 2013, ông Kim đã được sống lại một phần tuổi thơ khi ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman đã tới thăm Bình Nhưỡng.
Nhưng mọi thứ không suôn sẻ thời gian gần đây...
Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa đạn đạo và thiết bị hạt nhân dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un bất chấp những lệnh cấm vận của quốc tế. Năm 2012, quốc gia này đã phóng vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ. Kể từ đó, Bình Nhưỡng đã liên tục thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Năm 2013, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba và là lần đầu tiên dưới thời Kim Jong Un. Tháng 4/2015, giới quân sự Hoa Kỳ cảnh báo, Bình Nhưỡng có thể phát triển các tên lửa có khả năng đạt tới lãnh thổ ở phía Tây nước này.
Các vụ thử hạt nhân và những lời chỉ trích từ phía cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục trong năm 2016. Ngày 5/1/2016, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư, đó là một quả bom nhiệt hạch cỡ nhỏ. Ngay sau đó là một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo thành công, với tầm phóng tới vùng biển Nhật Bản. Triều Tiên cũng đã phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng dâng cao dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nguồn: KCNA
Tháng 9/2016, Kim Jong Un tham dự và quan sát vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và cũng là mạnh nhất từ trước đến giờ. Dựa trên một số dữ liệu, vụ nổ từ đầu đạn có sức công phá mạnh hơn rất nhiều lần so với quả bom mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima.
Các vụ thử nói trên là lời cam kết của ông Kim Jong Un với việc tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân. Theo các chuyên gia, nếu không có gì thay đổi, Bình Nhưỡng có thể thử nghiệm thành công đầu đạn hạt nhân có khả năng đạt tới lục địa Hoa Kỳ vào năm 2020.
Trong thời kỳ Donald Trump, mâu thuẫn với Triều Tiên đã đạt đến một mức căng thẳng mới. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống đời thứ 45 của Hoa Kỳ đã coi Bình Nhưỡng là mối đe dọa duy nhất và lớn nhất đối với Washington.
Phá bỏ mọi nỗ lực đàm phán ngoại giao của người tiền nhiệm Obama cùng chính sách “kiên nhẫn chiến lược”, chính quyền Trump bắt đầu yêu cầu Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa ngay lập tức và bỏ ngỏ khả năng tiến hành một cuộc tấn công quân sự nếu ông Kim Jong Un không tuân thủ.
Hôm 16/4 vừa qua, Triều Tiên đã phóng không thành công tên lửa hạt nhân cùng với lúc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lên đường sang thăm Hàn Quốc để bàn về vấn đề vũ khí của Bình Nhưỡng. Sau khi Mỹ đe dọa về một “sự đáp trả quốc tế mạnh mẽ” trước vụ thử tên lửa của Triều Tiên, phái đoàn nước này tại Liên Hiệp Quốc đã không ngần ngại cảnh báo rằng “một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất kỳ lúc nào”.