Hành trình truy lùng 2 phạm nhân trốn trại hơn 20 năm

Trong vòng chưa đầy 10 ngày, liên tiếp 2 phạm nhân trốn trại đã hơn 20 năm, ẩn trong một vỏ bọc hoàn toàn khác đã bị đưa ra ánh sáng. Đó là câu chuyện về những bước chân không ngừng nghỉ của trinh sát Nguyễn Văn Bé Năm - Đội trưởng trinh sát ở Trại giam Mỹ Phước.

Hành trình truy lùng 2 phạm nhân trốn trại hơn 20 năm

Theo đuổi những vụ án gần như không có chút hy vọng nào, miệt mài gần 20 năm trời ròng rã, lần theo từng dấu vết dù là mờ nhạt nhất, đến từng nhà, từng địa phương nơi các phạm nhân trốn trại cư trú để xác minh, tìm đầu mối nhiều đến mức các cán bộ ở địa phương cũng còn cảm thấy mệt mỏi khi phải trả lời những câu hỏi của trinh sát. Và rồi sự kiên trì của người lính trinh sát cũng đã được đền đáp. 

Bản lý lịch giả hoàn hảo

Phạm nhân Trần Văn Đông - Sinh năm 1963, ở ấp Quang Ninh (xã Quơn Long, Chợ Gạo, Tiền Giang), bị bắt năm 1987 do phạm tội Trộm cắp tài sản và bị kết án 5 năm tù giam. 

Trong quá trình cải tạo giam giữ tại trại giam, Trần Văn Đông đã 1 lần tìm cách trốn trại nhưng không thành, bị bắt lại và bị khép thêm tội Trốn khỏi nơi giam giữ. 

Không chịu hối cải, Trần Văn Đông lại tiếp tục lên kế hoạch trốn trại. Đến tháng 5/1990, trong một lần đi lao động ngoài hiện trường, lợi dụng sơ hở, Đông đã trốn trại thành công.

Sau khi trốn trại, Trần Văn Đông gần như cắt đứt mọi liên hệ với gia đình rồi chuyển lên sống lang thang ở gần khu vực Bến xe Miền Tây (TPHCM). 

Từ đó, Đông lấy tên là Nguyễn Phú Đệ và tạo dựng cho mình một lý lịch hoàn toàn mới, từ tên cha mẹ đến cả nơi sinh, trú quán. Sau vài năm đầu tiên, thấy mọi việc có vẻ yên ắng, vỏ bọc mới của “Đệ” lúc này được gia cố thêm bởi một cuộc hôn nhân. 

Trần Văn Đông lấy vợ tên là Mai Thị G. (SN 1965) và năm 1994 vợ Đông sinh một cậu con trai. Cẩn thận đến mức không muốn để lộ chân tướng thực của mình nên Đông không đặt tên con theo họ bố mà lấy họ của vợ để đặt tên cho con. 

Những tưởng vợ con yên ấm, lại thêm đang phải trốn tránh cơ quan pháp luật thì Đông sẽ tu tỉnh làm ăn và tránh khỏi những phiền phức rắc rối; tuy nhiên Đông tiếp tục dính vào vòng lao lý vì cái tật “tắt mắt” trộm cắp của mình. 

Năm 1999, Trần Văn Đông bị TAND huyện Bến Lức (Long An) kết án tù vì tội Trộm cắp tài sản. Mặc dù bị bắt và đưa ra xét xử lần này, nhưng với bản lý lịch “dày công vun đắp”, một vỏ bọc mới quá hoàn hảo của mình mà không một ai mảy may nghi ngờ gì về thân phận và con người thực của Trần Văn Đông mà vẫn tưởng hắn chỉ mới phạm tội lần đầu.

Chấp hành bản án tù 3 năm dưới cái tên Nguyễn Phú Đệ, trở về với cuộc sống, Đông lại chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác là Phạm Thị Thu Th. và sinh thêm 2 cô con gái. 

Cũng giống như người anh trai cùng cha khác mẹ, 2 cô con gái của Đông đều được đặt tên theo họ mẹ. Có 2 người vợ và 3 người con, Đông vẫn thường xuyên cùng người vợ đầu và đứa con trai lớn đi bán hàng rong quanh khu vực ở phường 12 (quận 10, TPHCM) để sinh sống, tối thì về sống trong một căn nhà tại phường An Lạc (Bình Tân). 

Ngày tháng dần trôi, Đông ngày càng tự tin vào cái vỏ bọc của mình khi qua 1 lần bị bắt giam mà vẫn không ai phát hiện ra được chân tướng thực sự của phạm nhân trốn trại này khiến hắn trở nên lơ là, những tưởng rằng mọi chuyện đã qua, cái quá khứ của mình sẽ mãi mãi được giấu kín, chôn chặt thì… 

Vào một ngày Đông đang kê cao gối ngủ thì trinh sát Nguyễn Văn Bé Năm ập vào kết thúc chuỗi ngày 22 năm lẩn trốn dưới vỏ bóc hoàn hảo của y.

Bóc vỏ bọc đưa về quy án

Vào nhận nhiệm vụ tại Trại giam Mỹ Phước từ năm 1995, dù phạm nhân Trần Văn Đông trốn trại trước đó rất lâu, nhưng trinh sát Nguyễn Văn Bé Năm vẫn thường xuyên về tận quê nhà của Đông để lân la dò hỏi thông tin từ hàng xóm, người thân của Đông. 

Ngoài ra, anh còn tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc truy tìm phạm nhân trốn trại. Hỏi nhiều quá, hỏi mãi cũng khiến người được hỏi phải bực mình, thậm chí không hợp tác. 

Nhưng trinh sát Nguyễn Văn Bé Năm vẫn kiên trì đeo bám những mối quan hệ của Đông tại quê nhà để lần tìm. Và cuối cùng, một đầu mối đã hé mở khi trinh sát Nguyễn Văn Bé Năm nhận được một thông tin mơ hồ rằng Đông đang sống đâu đó quanh khu vực Bến xe Miền Tây. Bám theo hướng này, anh Năm đã đổ công sức để đi điều tra, tìm kiếm những đầu mối liên quan đến Đông.

Trong quá trình truy tìm, anh Năm nắm được thông tin Đông đã từng bị bắt ở Long An và đưa ra xét xử về tội Trộm cắp tài sản, đã thụ án xong và ra tù. 

Công cuộc “xới” tung toàn bộ hồ sơ các vụ án trộm cắp ở Long An vào thời gian đó nhưng anh Năm vẫn không tìm thấy một chút dấu vết nào của Đông. 

Trong số các hồ sơ liên quan đến tội trộm cắp, chỉ có duy nhất một trường hợp của Nguyễn Phú Đệ là có trùng hợp về năm sinh, nhưng tên tuổi cha mẹ, vợ con của người này hoàn toàn không có một chút gì liên quan đến phạm nhân Trần Văn Đông đã trốn trại cả. 

Người này sau khi ra tù thì về làm ăn sinh sống ở gần Bến xe Miền Tây cùng vợ con, từ đó đến nay cũng không có biểu hiện gì khác cả.
Mọi chuyện tưởng chừng như đã vô vọng, việc lần theo dấu vết của Đông đã đi chệch hướng chăng. 

Nhưng không nản lòng, anh Năm cũng thử đánh liều để đi xác minh về nhân vật “Nguyễn Phú Đệ”. Đã nhiều năm kể từ ngày Đông trốn trại, trong hồ sơ chỉ lưu vẻn vẹn vài đặc điểm và một tấm ảnh nhận dạng mờ nhòe nên dù bây giờ có đứng đối diện cũng khó có thể nhận ra được Đông. 

Qua nhiều ngày hóa trang lân là dò hỏi những người lái xe ôm, bán hàng rong ở xung quanh khu vực Bến xe Miền Tây, cuối cùng công sức của anh Năm cũng được đền đáp khi dò hỏi được một thông tin hết sức đắt giá, đó là trong cuộc sống “Nguyễn Phú Đệ” còn có một biệt danh khác là Đông. 

Tiếp tục đeo bám và xác minh kỹ để tránh bắt nhầm người và không để lọt kẻ có tội, anh Năm đã nhiều lần “hóa trang” để tìm cách tiếp cận Đệ... 

Được sự hỗ trợ của công an địa phương, tối 1/8/2011, khi Đệ vừa đi làm về, anh Năm đã vào tận nhà Đệ để hỏi thăm. Thấy Đệ đang nằm nghỉ trong nhà, anh Năm bước vào hỏi xã giao: “Anh Đông khỏe không?”. 

Đệ vẫn nằm im không trả lời, anh Năm đánh liều hỏi thêm: “Anh Đông không nhớ tôi à? Tôi ở kế bên nhà anh ở dưới quê này”. Lúc này, Đệ mới bật ngồi dậy, nhìn chằm chằm vào anh Năm tỏ vẻ bỡ ngỡ, chỉ nói được một tiếng: “Ủa”. 

Với biểu hiện đó của Đệ, anh Năm khẳng định 100% đây chính là phạm nhân Trần Văn Đông đã trốn trại 22 năm về trước. Ngay lập tức, cơ quan công an đã mời Nguyễn Phú Đệ về trụ sở công an để tiến hành xác minh. 

Cuối cùng, Nguyễn Phú Đệ đã trút bỏ lớp vỏ bọc hoàn hảo của mình để thừa nhận thân phận là Trần Văn Đông - tù nhân trốn trại.

Gã phạm nhân hào hoa

Phạm nhân Trần Duy Triệu - SN 1947, ở ấp Mỹ Định (Nhị Mỹ, Cai Lậy, Tiền Giang). Triệu bị bắt từ tháng 4/1990 về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Giả mạo chức vụ, và bị tòa tuyên phạt 9 năm tù giam. 

Thi hành án được 2 năm, đến tháng 7/1992, Trần Duy Triệu đã khoét tường, đào vách để trốn khỏi trại giam. Sau khi trốn trại, Triệu vẫn ngang nhiên tung hoành ở khắp các tỉnh thành như TPHCM, Tiền Giang… với tên gọi là Trần Ngọc Ẩn. 

Với khả năng “dẻo mỏ”, “giả mạo chức vụ”, Triệu đã tạo nhiều vỏ bọc khác nhau khi chung sống với 4 người phụ nữ ở các tỉnh thành và cũng có con riêng với họ. 

Chưa an tâm về độ an toàn, Trần Duy Triệu đã quyết định sang Campuchia để định cư. Dưới cái tên Trần Ngọc Ẩn, Triệu đã kết hôn mới một người phụ nữ Campuchia và sinh thêm 1 người con gái. 

Sau đó Triệu đàng hoàng mở một cửa hàng sửa chữa đồ điện, điện tử và sống cùng vợ con tại Phnom Penh (Campuchia). Những tưởng cuộc đào tẩu của Triệu đã trót lọt sau bao nhiêu năm trốn tránh với một thân phận hoàn toàn khác thì bất ngờ có sự xuất hiện trinh sát Nguyễn Văn Bé Năm.

Trường hợp trốn trại của Triệu cũng xảy ra từ trước khi anh Năm vào công tác tại Trại giam Mỹ Phước và sau khi trốn trại, Triệu mai danh ẩn tích, che giấu hành tung của mình rất kỹ nên mọi cố gắng điều tra của trinh sát Năm đều không đem lại kết quả gì. 

Khoảng hơn 10 năm đằng đẵng không có một chút manh mối nào về Triệu, thì phải sau đúng 20 năm đều đặn rà soát, dò hỏi từ người thân, bạn bè cho đến chính quyền địa phương, cuối cùng anh Năm đã nắm được một đầu mối then chốt của Triệu, đó chính là cái sự hào hoa của hắn. 

Sau khi đã lần ra được những mối quan hệ sau khi trốn trại, tìm được địa chỉ của những người vợ của Triệu, anh Năm đã phải tốn rất nhiều công sức mới xác định được Triệu đang trốn tại Campuchia dưới một cái tên Trần Ngọc Ẩn.

Việc tiếp cận Triệu càng trở nên khó khăn khi Triệu rất cáo già và cảnh giác, kể từ khi sang Campuchia, hắn không bao giờ bước chân qua cửa khẩu về Việt Nam. 

Muốn bắt Triệu ngay lúc này thì không có cách nào khác là phải điều được Triệu qua cửa khẩu về địa phận Việt Nam. Lúc này, bản lĩnh của người trinh sát càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết, sự linh động và sắc bén đã giúp cho kế hoạch của anh Năm thành công. 

Bằng những biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 9/8/2011, anh Năm đã dụ được Triệu bước qua cửa khẩu về ranh giới Việt Nam. Ngay khi vừa đặt chân lên đất Việt Nam tại Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Triệu đã bị bắt giữ. 

Khi mới bị bắt, Triệu vẫn ỷ vào lý lịch và quốc tịch mới của mình nên hắn một mực chối cãi, không thừa nhận. Chỉ đến khi nhìn thấy lệnh truy nã với tấm ảnh nhận dạng, Triệu mới chịu thừa nhận là phạm nhân trốn trại.

Theo anninhthudo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ