Hạnh phúc khi được trao gửi tri thức

GD&TĐ - Đó là tâm niệm của cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Giáo viên trường THPT Chương Mỹ A, một trong những gương nhà giáo tiêu biểu được xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội Thủ đô tâm huyết, sáng tạo năm 2020.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy.

Trong 22 năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Thủy luôn khắc ghi câu nói của Jacques Barzun: “Với nghề dạy học, không thể nhìn thấy kết quả của một ngày làm việc. Kết quả ấy vô hình và có lẽ vẫn còn đến 20 năm sau”. Chính vì thế, cô đã không ngừng học hỏi, tìm tòi phương pháp, kĩ thuật dạy học để khơi nguồn cảm hứng và phát hiện, bồi dưỡng tài năng cho học sinh.

Trong công tác giảng dạy, với vai trò là một tổ phó chuyên môn, cô Thủy đã tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn thông qua các chuyên đề dạy học để đồng nghiệp cùng trao đổi, nhằm nâng cao chuyên môn và tạo hứng thú cho HS trong giờ học Văn. Trong năm học vừa qua, ở vị trí Nhóm trưởng bộ môn Ngữ văn, cô đã xây dựng các chuyên đề như: “Con người Việt Nam trong thơ ca và âm nhạc giai đoạn 1945 - 1975”, “Tìm về mạch nguồn dân tộc qua các tác phẩm văn học dân gian”… Các chuyên đề của bộ môn Ngữ văn đã tạo được nhiều hứng khởi cho đồng nghiệp cũng như HS toàn trường. Đặc biệt, HS từ chỗ “sợ”, ngại học môn Văn, nhưng qua các chuyên đề đã có sự chuyển biến rõ rệt, hứng thú, tích cực hơn khi tham gia các hoạt động học.

Kết quả của sự sáng tạo không chỉ thể hiện ở điểm số của HS mà còn thể hiện ở các năng lực các em có được sau khi học môn Ngữ văn. Vì thế, trong các giờ dạy, cô Thủy cũng luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học nhằm rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực và phẩm chất cho học trò. Sự đổi mới ấy được cô thể hiện trong những sáng kiến kinh nghiệm như: “Hướng dẫn học sinh lớp 12 chủ động tiếp cận tác phẩm truyện ngắn từ đặc trưng thể loại” (năm 2018 – 2019, sáng kiến đã được Hội đồng khoa học ngành Giáo dục xếp loại B );“Rèn luyện kĩ năng thuyết trình cho học sinh qua bài “Trình bày một vấn đề” trong chương trình Ngữ văn 10” (2019 – 2020, sáng kiến được Hội đồng khoa học ngành Giáo dục xếp loại loại B).

Trong công tác giáo dục HS, với vai trò là GV chủ nhiệm lớp, cô đặc biệt chú ý rèn nếp học và kỹ năng sống cho học trò. Để làm tốt công tác này, cô Thủy đã tích cực tìm đọc, nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi học sinh, tham gia các khóa tập huấn về công tác chủ nhiệm để xây dựng các biện pháp giáo dục phù hợp.

Điều thuận lợi đó là trường THPT Chương Mỹ A xếp thời khóa biểu mỗi tuần có 2 tiết hoạt động ngoại khóa, tuần 1 và 2 hằng tháng sẽ dành cho Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, còn tuần 3 và 4 các GV chủ nhiệm sẽ cho tự sinh hoạt. Vì thế, cô giáo đã lên kế hoạch chủ nhiệm và xây dựng các chủ đề sinh hoạt lớp ngay từ đầu năm học.

Cụ thể như, tháng 9, cô hướng dẫn học trò thực hiện chủ đề “An toàn giao thông”; tháng 10, chủ đề “Yêu thương”, tháng 11, chủ đề “Âm nhạc” – hát mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; v.v… Việc thực hiện chủ đề giúp HS không những được thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng mà còn gắn kết các em; giúp các em có sự chuyển biến lớn trong nhận thức về trách nhiệm của bản thân với chính mình, với bố mẹ, với trường lớp. Kết quả, HS có tiến bộ rõ rệt về ý thức, thái độ, hành vi. Đặc biệt, là sự phản hồi rất tích cực từ phía cha mẹ học sinh khi thấy con biết quan tâm tới mọi người, thấy con tiến bộ, trưởng thành lên từng ngày. Đó là niềm hạnh phúc không gì sánh được đối với người thầy.

Cô Thủy tâm sự: Hạnh phúc nào bằng khi được trao gửi tri thức và góp phần định hình nhân cách, tâm hồn cho thế hệ tương lai – đó cũng chính là sứ mệnh của người thầy. Sự cao quý của nghề dạy học đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ