Liên quan vấn đề thủy triều dâng cao kỷ lục, nước mặn tràn vào vùng ngọt, nguy cơ vỡ đê biển Tây của tỉnh Cà Mau, hiện nay các lực lượng chức năng tỉnh này đang tiếp tục khẩn trương gia cố đoạn đê biển có nguy cơ vỡ trước đó tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, lực lượng chức năng và cơ giới được huy động, bằng mọi giải pháp không để vỡ đê, làm ảnh hưởng sản xuất của hàng chục ngàn hộ dân sống bên trong.
Triều cường kỷ lục, người dân hoảng hồn
Gia đình anh Trần Bá Ni (ở ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã mấy đời sống tại vùng đất này. Vào mùa mưa bão hằng năm, bà con nơi đây vẫn thường phải đối mặt với thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, cơn dông kéo theo triều cường lên cao khủng khiếp vào chiều 3/8 vừa qua thì gia đình anh và người dân nơi đây chưa từng thấy bao giờ.
Anh Ni cho biết, giáp ranh địa phận xã Khánh Hải và xã Khánh Bình Tây có một điểm sạt lở nghiêm trọng, rừng phòng hộ ngoài đê không còn. Vào chiều 3/8, mưa lớn kéo dài, sóng lớn đánh trực tiếp vào chân đê của đoạn sạt lở này. Đến hơn 15h chiều, thủy triều dâng cao kỷ lục lên quá nửa đê, kèm theo sóng lớn. Đoạn đê cao mới được gia cố để làm đường hành lang ven biển bị sóng lớn phủ qua. Đặc biệt, sát cống Kinh Mới có đoạn chưa được gia cố, mặt đường còn thấp, nước mặn ào ào tràn vào nên bà con rất hoảng sợ.
May mắn “cơn giận dữ” của thiên nhiên không kéo dài. Hơn nửa tiếng sau đó sóng gió giảm, thủy triều rút, bà con mới thở phào nhẹ nhõm. Hiện họ đang cùng lực lượng chức năng chung tay gia cố đoạn đê này.
Anh Trần Bá Ni chia sẻ: "Càng ngày sóng càng đạp mạnh, lấn sâu vào đê. Nếu không có biện pháp thì có thể vỡ đê, nước tràn vào, ảnh hưởng sản xuất của bà con. Anh em đều đồng lòng kè đê để chống sạt lở".
Hàng trăm người có mặt tại hiện trường để khắc phục điểm sạt lở có nguy cơ gây vỡ đê. |
Hàng trăm người trắng đêm giữ đê
Theo ghi nhận, tại điểm sạt lở nghiêm trọng dài hơn 300m, thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây chân đê bị sạt lở nham nhở. Có những đoạn, mái đê bị sóng biển đánh mất, sạt lở sâu vào tới thân đê và mặt đường.
Đến chiều 4/8, hàng trăm người vẫn đang khẩn trương gia cố tuyến đê biển này. Lực lượng chức năng với sự hỗ trợ của cơ giới thực hiện đóng kè tràm dưới chân điểm sạt lở; việc vận chuyển cừ và đất để gia cố cũng được thực hiện khẩn trương bởi dân quân tự vệ và lực lượng vũ trang... Lãnh đạo các cấp chính quyền đã có mặt tại hiện trường trước đó để chỉ đạo và hỗ trợ công tác khắc phục sạt lở.
Đây là giải pháp tạm thời, sau này cần có giải pháp căn cơ hơn. |
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy Lợi Cà Mau cho biết: "Hiện nay lực lượng trên dưới 300 người đang hộ đê. Có cả lực lượng của tỉnh, huyện, xã và lực lượng vũ trang. Ngoài xử lý hộ đê, chúng tôi đang đưa đất vào bao cát để phòng khi nước dâng, kịp thời xử lý. Chúng tôi không lơ là, bằng mọi giải pháp không để nước mặn tràn vào vùng ngọt ảnh hưởng sản xuất và đời sống người dân".
Trong hai ngày qua, công tác hộ đê tại sạt lở nghiêm trọng nêu trên được thực hiện khẩn trương. Lực lượng chức năng được duy trì, túc trực 24/24. Nhiều người đã thức trắng đêm để khắc phục sạt lở. Hiện việc gia cố đê cơ bản đã ổn. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo, sóng gió sẽ không tiếp tục nổi lên, điểm sạt lở này không bị sóng biển tàn phá như vừa qua nên lực lượng trực tại chỗ vẫn được duy trì.
Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây cho biết, chiều dài đường bờ biển của xã dài hơn 3 km. Toàn tuyến bị sạt lở nhiều năm qua. Đoạn sạt lở nghiêm trọng thuộc ấp Thời Hưng đã mất hết rừng phòng hộ, nếu sóng lớn lại nổi lên, nguy cơ gây vỡ đê vẫn xảy ra. Vừa qua, mọi lực lượng đã nhanh chóng mặt hỗ trợ khắc phục khi có sự cố. Tuy nhiên, các giải pháp mới là tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ.
Ông Nguyễn Quốc Đoàn nêu rõ: "Tuyến đê hiện nay hết sức nguy cấp. Cần có giải pháp kiên cố, khả thi hơn. Hiện nay gia cố như thế này chỉ là tạm thời. Chúng tôi đề xuất cấp trên quan tâm, đầu tư nâng cấp để người dân yên tâm phát triển sản xuất".
Công tác khắc phục sạt lở vẫn đang tiếp tục. |
Tuyến đê biển Tây của tỉnh Cà Mau kéo dài qua hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Tuyến đê này có vai trò ngăn mặn cho vùng sản xuất ngọt hóa trong đê. Chỉ tính riêng huyện Trần Văn Thời đã có khoảng 29.000 ha lúa đang canh tác. Nếu việc vỡ đê xảy ra thiệt hại là khó tránh khỏi cho hàng chục ngàn hộ dân sống trong đê. Ngành chức năng Cà Mau đang ra sức khắc phục, tuy nhiên, đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn.