Xu hướng trái ngược giữa nam và nữ
Tuổi trung bình của chú rể có bằng đại học trở lên kết hôn là 32,5 tuổi. Trong khi những người chỉ học hết THPT kết hôn ở tuổi trung bình 32,8; còn những người chỉ học hết THCS kết hơn muộn hơn – trung bình 36,5 tuổi.
Điều này phản ánh thực tế là nam giới có học vấn cao có xu hướng ổn định kinh tế, cho phép họ lập gia đình sớm. Ví dụ năm 2015, tỉ lệ kết hôn, hoặc số cặp kết hôn trên 1.000 người, đứng ở mức 24,5 đối với nhóm nam giới có bằng đại học. Tỉ lệ trên rơi xuống 9,8 đối với những người chỉ có bằng THPT và 3,6% với những người chỉ học xong THCS.
“Kết hôn và sinh con giảm đáng kể với những người chỉ có bằng THPT. Họ có sự chênh lệch rất lớn về lương so với bạn đồng lứa có bằng đại học và khoảng cách như vậy dẫn tới sự bất ổn xã hội” – theo Lee Ji-yeon, phụ trách nghiên cứu xu hướng nhân khẩu học tại Cục Thống kê Hàn Quốc.
Với phụ nữ thì ngược lại, bằng cấp càng cao càng lấy chồng muộn. Phụ nữ có bằng đại học kết hôn ở tuổi trung bình 30,2, trong khi những cô dâu chỉ có bằng THPT kết hôn ở tuổi 29,7. Những phụ nữ có học vấn cao hơn thường tích cực tham gia hoạt động xã hội và điều này dường như mang lại cho họ nhiều lựa chọn hơn là kết hôn.
Những con số cũng phản ánh mức độ giáo dục ảnh hưởng tới tỉ lệ sinh. Tỉ lệ sinh của phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20 – 49 ở mức 1,23 năm 2015. Tuy nhiên những phụ nữ chỉ học hết THCS có tỉ lệ sinh 1,6 trong khi những người học hết THPT có tỉ lệ sinh 1,02.
Nặng thêm mối lo giảm sinh
Với trình độ học vấn của phụ nữ Hàn Quốc ngày càng cao hơn thì mối lo phụ nữ “ngại” lấy chồng và sinh nở của xã hội Hàn Quốc càng gia tăng.
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc chưa muốn lập gia đình sớm khiến tuổi kết hôn trung bình ở phụ nữ nước này chạm con số 30. Với những người có tham vọng theo đuổi sự nghiệp, thay vì trở thành bà nội trợ, cuộc sống sau hôn nhân của họ cần đến sự cố gắng hơn gấp nhiều lần mới có thể có được vị trí trong sự nghiệp.
Thiệt thòi như vậy nên ngày càng có nhiều phụ nữ lựa chọn không sinh con, hoặc thậm chí không kết hôn, để sự nghiệp không bị gián đoạn. Hiện tượng này đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp trong xã hội Hàn Quốc. Trong năm 2016, số lượng các cặp vợ chồng mới cưới rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Điều này cũng dẫn tới tỷ lệ sinh đang thấp kỷ lục, ở mức 1,2 - chỉ bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Nguyên nhân ngại sinh phổ biến được nhiều phụ nữ Hàn Quốc đưa ra là ưu tiên công việc hơn cuộc sống gia đình. Phần lớn các bạn trẻ có tâm lý cho rằng cuộc sống của các bà mẹ đi làm là quá tù túng và vất vả.
Hiện tượng này được các chuyên gia nhân chủng học gắn liền với sự thay đổi từ lối sống tập thể sang tư duy mang tính cá nhân của những người trẻ.