Hạn chế người đón, tiễn tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất dịp 30/4

GD&TĐ - Bộ Giao thông vận tải yêu cầu ngành hàng không hạn chế số người đón, tiễn tại các sân bay, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021 để tránh ùn tắc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu quản lý bảo dưỡng đường bộ thực hiện tốt công tác quản lý và bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường được giao; có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn, không để ùn tắc giao thông do việc thi công các công trình.

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình, hạn chế số người đón, tiễn tại các sân bay, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới để có phương án tổ chức vận tải hành khách tối ưu phục vụ nhân dân đi lại; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm, hủy chuyến đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam xây dựng phương án tổ chức đưa, đón hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; bố trí nhân lực để bảo đảm an toàn và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong các ngày cao điểm trước, trong và sau ngày nghỉ lễ.

Các hãng hàng không Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng của hành khách và đặc biệt hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật; xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng việc bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, nhất là các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt theo thẩm quyền.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra; nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng của hành khách đi tàu; tiếp tục thực hiện đo thân nhiệt, khai bản khai y tế điện tử đối với khách đi tàu; hướng dẫn tất cả khách đến ga mua vé, ngồi trong phòng đợi tàu, khi vào ga lên tàu phải đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách với những người xung quanh an toàn; bố trí khách trên tàu ngồi giãn cách.

Ngành đường sắt tổ chức khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn 3 giờ/1 lần tại các vị trí có tiếp xúc nhiều với khách như tay nắm cửa, buồng vệ sinh, vòi rửa tay…; đẩy mạnh ứng dụng việc bán vé điện tử, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ; xây dựng phương án tổ chức vận tải hành 5 khách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác kiểm tra tại các bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch và sử dụng phương tiện nhỏ, thô sơ chở người hoạt động trên đường thuỷ (đặc biệt là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo); đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương có liên quan tổ chức giao thông, phân luồng hợp lý đối với những khu vực có mật độ tàu thuyền ra vào cao; giám sát chặt chẽ việc đón trả và dẫn tàu của hoa tiêu, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn hàng hải, đặc biệt là các tuyến vận tải từ bờ ra đảo; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra chất lượng phương tiện, không cho phép sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông, đặc biệt chú trọng tới các phương tiện xe khách giường nằm, phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, tầu cao tốc.

Sở Giao thông Vận tải các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, nhất là dịch vụ vận tải hành khách…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.