Khi Thủ tướng Hun Sen càng lớn tuổi, những đồn đoán về khả năng một trong số con trai ông sẽ tiếp nhận vai trò của cha, lãnh đạo đất nước càng có cơ sở khi thành tích sự nghiệp của họ được tích lũy bài bản, như những ngôi sao chính trị đang lên.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và con trai Hun Manet. Ảnh: Thetimes |
Hun Manet - Thủ tướng tương lai?
Năm 1999, ở tuổi 21, Hun Manet trở thành người Campuchia đầu tiên, cũng là 1 trong 7 học viên nước ngoài tốt nghiệp Học viện quân sự nổi tiếng của Mỹ West Point.
Sau đó, Manet hoàn tất học vị tiến sĩ kinh tế Đại học Bristol tại Anh - một trong 30 trường đại học hàng đầu thế giới. Thời gian ở phương Tây, ông khá giấu mình, hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Manet được cho là người đóng vai trò nổi bật trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài 4 ngày giữa Campuchia và Thái Lan tại ngôi đền Preah Vihear. Theo các phương tiện truyền thông Thái Lan, Hun Manet đã ghi dấu ấn với việc giúp thiết lập đàm phán ngừng bắn giữa hai bên.
Giới phân tích tập trung nhiều vào việc Hun Manet theo học tại West Point (tốt nghiệp năm 1999). Họ coi đây là biểu tượng, là cầu nối thể hiện mong muốn nối lại quan hệ giữa Mỹ và Campuchia sau chiến tranh lạnh.
Kể từ khi Hun Manet trở về nước, quan hệ giữa Phnom Penh với Washington đã nở rộ. Tháng 8/2005, Mỹ dỡ bỏ hạn chế trợ giúp quân sự cho Campuchia.
Tướng Hun Manet. Ảnh: Phnompenhpost |
Năm 2007, Mỹ nối lại viện trợ nước ngoài trực tiếp với Phnom Penh. Campuchia trở thành nước đứng thứ ba nhận viện trợ nước ngoài của Mỹ tại Đông Á sau Indonesia và Philippines.
Năm 2011, khi tuổi đời vừa chớm 34, Hun Manet được phong lên Tướng và giữ chức Phó Tư lệnh Lục quân các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF). Trước đó, Manet được đề bạt chức Phó Tư lệnh Lực lượng vệ sĩ bảo vệ Thủ tướng Hun Sen và Phó chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân RCAF.
Khởi nghiệp trong Bộ Quốc phòng sau khi tu nghiệp ở nước ngoài trở về, Manet đã giữ vai trò Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố.
Năm 2013, Manet được thăng từ hàm Thiếu tướng lên Trung tướng.
Với sự thăng tiến nhanh chóng, nhiều nhà phân tích chính trị tin rằng Hun Manet đang được chuẩn bị để cuối cùng sẽ lên thay vị trí của cha ông.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền của hãng ABC, Úc mới đây, khi được hỏi về khả năng ông sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Campuchia, Hun Manet khẳng định: "Campuchia là nước dân chủ, nên chọn khi nào và ai sẽ trở thành lãnh đạo phụ thuộc vào nhân dân".
Dù Manet được cho là một trong những ứng viên sáng giá nhất cho vị trí thủ tướng tương lai, ông từ chối có bất kỳ sự chuẩn bị nào. "Cha tôi thường nhiều lần nói không muốn con ông tham gia chính trường", Manet cho biết.
Manet nhấn mạnh việc tham gia chính trị "với mối quan tâm có thể đóng góp bao nhiêu cho xã hội, còn bao nhiêu thời gian để góp phần thực hiện yêu cầu của rất nhiều người dân".
Hun Many - nghị sĩ trẻ nhất
Hai thập niên trước, Thủ tướng Hun Sen đưa con trai út Hun Many, 9 tuổi đến Pháp học. Hun Many học ở Pháp tới năm 1998 trước khi tới Mỹ hoàn tất bậc trung học và có bằng cử nhân khoa học chính trị năm 2005.
Hun Many. Ảnh: Cambodia |
Sau đó, ông tiếp tục lấy bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế ở Melbourne, Australia. Từ năm 2009 - 2010, Many theo học ngành thạc sĩ tại Đại học Quốc phòng ở Mỹ chuyên về chống khủng bố.
Kể từ năm 2007, Hun Many hầu như luôn tháp tùng cha tại các cuộc gặp trong và ngoài nước. Ông làm việc lặng lẽ, nghiêm túc trong vai trò trợ lý của Thủ tướng.
Giờ đây, ngoài 30, ông trở thành nghị sĩ trẻ nhất Campuchia.
"Báo chí thường hỏi tôi cảm thấy sao khi ngồi trong Quốc hội với cha mình. Tôi nói tôi là một thành viên CPP, người được nhân dân chọn lựa làm nghị sĩ. Tôi ở trong Quốc hội với vai trò nghị sĩ chứ không phải con trai Thủ tướng", Many thẳng thắn nói.
Mới đây, Many là 1 trong 19 người nhận giải thưởng Hòa bình Gusi cho nhà hoạt động nhân đạo và lãnh đạo trẻ. Ông cũng được trao giải "Người thúc đẩy di sản văn hóa".
Giải hòa bình Gusi do tổ chức quốc tế giải hòa bình Gusi tại Manila trao tặng mỗi năm cho những cá nhân, tổ chức được công nhận vì có vai trò trong thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn cầu.
Sous Yara, một thành viên CPP cho rằng, giải thưởng là rất quan trọng với Many và hơn cả là với Campuchia khi nước này đang nỗ lực thay đổi hình ảnh trên vũ đài toàn cầu.
"Hun Many là nhân tài thực sự, ông truyền cảm hứng cho giới trẻ, thúc đẩy họ tham gia nhiều hơn vào tiến trình phát triển đất nước" - Yara nói.
Con trai út của Thủ tướng Hun Sen cũng là chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Campuchia (UYFC).
Nhiều người cho rằng sự nghiệp chính trị của Hun Many được chính người cha hoạch định trước. Nhưng Hun Sen từng nói không muốn bất kỳ cậu con trai nào tham gia chính trường.
"Ông nói đó là công việc khó khăn, đòi hỏi trách nhiệm cao và có nhiều người bất hòa. Cho tới khi tôi làm trợ lý cho ông, ông nói rằng không có thời gian để dạy tôi nhưng cho phép tôi ở trong văn phòng của ông và quan sát. Ông luôn cho tôi lời khuyên khi tôi phạm sai lầm" - Hun Many kể.