Không nơi nào đi lại lộn xộn bằng Hà Nội”. Ông Thảo mong muốn người dân Hà Nội khi ra đường đảm bảo được trật tự như ở TP Hồ Chí Minh và “phải đi lại thế nào cho văn minh, lịch sự”.
Một sự thật khó có thể chấp nhận được với một đô thị văn minh. Người dân đi lại lộn xộn, trên khắp các nẻo đường nhan nhản hình ảnh nam thanh nữ tú, cán bộ, công chức không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ.
Rồi trên đường phố bụi bặm, nhếch nhác, rác thải có ở mọi nơi mọi chỗ, mà có vẻ như thói quen của một số không ít người dân ý thức rất kém là rác chỉ cần ra khỏi cửa nhà mình, sang hàng xóm hoặc ra… giữa đường là hài lòng.
Một Thủ đô thường được ví von là “văn minh – thanh lịch”, giờ đây lãnh đạo hàng đầu Hà Nội thừa nhận sự kém cỏi là điều không hè dễ dàng. Nói ra điều này, nhiều người dân, du khách trong và ngoài nước đều đánh giá cao bản lĩnh của đại diện cho chính quyền thành phố.
Đặc biệt, nhận định của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đưa ra vào đúng ngày tổng kết Chỉ thị 01 của Hà Nội, chọn năm 2014 làm “Năm trật tự và văn minh đô thị”, với mục tiêu “tăng cường kỷ cương trật tự và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của từng người dân Thủ đô”.
“Người Hà Nội vốn lịch sự văn minh, tao nhã, nhưng giờ chẳng thấy đâu... Cái tinh hoa không hội nhập lại cứ nhập cái yếu kém vào” - đây là nhìn nhận của Chủ tịch Hà Nội được các cơ quan thông tin đại chúng dẫn lời.
Nhưng vì sao giờ những nét văn hóa đẹp mà người Hà Nội vẫn tự hào “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” lại đi đâu rồi? Do người dân hay do ai? Giáo dục, răn đe, hay áp dụng biện pháp xử phạt hành chính khác để mọi việc vào nền nếp và quy củ để Hà Nội trở nên văn minh là điều chính quyền Hà Nội cần làm?
Mới đây thôi, nhiều người còn cho rằng lãnh đạo thành phố đã không tưởng khi thí điểm triển khai tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em từ ngày 5/1/2015, vào giờ cao điểm.
Điều khiến người dân ngạc nhiên là hành vi quấy rối tình dục trên xe buýt không nhiều, và cũng không đáng để đưa việc này ra xã hội vì thực tế không có vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra.
Thêm nữa, xe buýt Hà Nội thì chưa phải là đã đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân, đường xá thì ách tắc. Thế nên, từ chủ trương không tưởng trên đã có vô số những bình luận hết sức ngộ nghĩnh và cuối cùng Hà Nội đã phải quyết định dừng việc này lại.
Nói như vậy, người viết muốn nhấn mạnh một điều: Vai trò điều tiết của chính quyền rất quan trọng. Trước đây văn hóa Hà Nội là chọn lọc tự nhiên, Hà Nội là đất kinh kỳ, là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa tốt đẹp nhất của cả nước, thầy giỏi, thợ khéo, là những nhà khoa bảng thành danh về kinh đô làm quan lại.
Họ mang tinh hoa ở khắp các vùng miền về hội tụ và tỏa sáng, chính những giá trị này đã làm nên văn hóa Hà Nội. Còn ngày nay, các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa lớn, không chỉ hội tụ những tinh hoa mà có cả những mặt trái của của một xã hội hiện đại là tệ nạn, là ý thức kém.
“Hà Nội không vội được đâu” – Câu nói vui trong nhân dân ngẫm lại thấy đúng cho Hà Nội. Xã hội hiện đại là sự đan xen nhiều lớp người, nhiều tầng văn hóa. Chính vì vậy điều hành không thể là những khẩu hiệu không tưởng mà cần thiết thực hơn.
Khi người dân chưa ý thức được nếp sống văn minh đô thị thì rất cần phải có vai trò quản lý của chính quyền. Điều này Hà Nội cần học ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và còn nhiều địa phương khác trên cả nước.