Hà Nội định hình 3 trục phát triển chiến lược

GD&TĐ - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý với UBND Hà Nội là các quy hoạch và Luật Thủ đô (sửa đổi) có quan hệ chặt chẽ.

Một góc phát triển đô thị ở huyện Gia Lâm.
Một góc phát triển đô thị ở huyện Gia Lâm.

Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 3 trục phát triển quan trọng với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh.

Thúc tiến độ điều chỉnh quy hoạch

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đinh Tiến Dũng vừa họp nghe báo cáo và cho ý kiến về quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 3 nội dung: Phạm vi quy hoạch, sự cần thiết xây dựng đề cương và định hướng cụ thể.

Đáng chú ý, về quan điểm tổ chức không gian, đề cương định hướng quy hoạch nêu rõ, quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Đồng thời mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ.

Đặc biệt, quy hoạch sẽ chú trọng 3 nội dung quan trọng về không gian. Trong đó, ngoài 2 thành phố trực thuộc và 3 khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng), Hà Nội dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng, gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh...

Về đề cương quy hoạch của Hà Nội, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Hà Nội phải xác định rõ tầm nhìn chiến lược, coi những tiềm năng, lợi thế mà mình có là của thế giới, từ đó có giải pháp để thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định, để hiện thực hóa được các quy hoạch lớn này, Hà Nội cần có cơ chế vượt trội, mang tính mở đường.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam hoàn toàn đồng ý với việc lựa chọn 3 trục phát triển quan trọng mà Hà Nội đã nêu trong Đề cương quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Chính, trước hết phải làm trục sông Hồng, vì có lấy sông Hồng làm trục thì Hà Nội mới văn hiến được, kết hợp với làm trục Ba Vì - Hồ Tây thành trục văn hóa để làm nổi rõ đặc trưng Hà Nội.

Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam lưu ý Hà Nội phải đặc biệt quan tâm, giải quyết tường tận các vấn đề rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường, nghĩa trang... ngay trong các quy hoạch quan trọng lần này. Đây là vấn đề có tính mấu chốt để có Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Làm gấp, nhưng chất lượng phải hàng đầu

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, mục tiêu tiến độ thành phố đề ra là trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2023. Trình đồng thời 3 nội dung, đó là: Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Thời gian rất gấp, nên Ban Cán sự Đảng UBND thành phố phải tập trung chỉ đạo, nỗ lực hết sức để thực hiện bằng được yêu cầu, nhiệm vụ này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu.

Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là các quy hoạch rất quan trọng, sẽ định hình chân dung, con đường phát triển của Thủ đô trong những năm tới. Do đó, dù tiến độ gấp, phải làm nhanh, nhưng chất lượng vẫn phải là hàng đầu.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội lưu ý với UBND Hà Nội là các quy hoạch và Luật Thủ đô (sửa đổi) có quan hệ chặt chẽ. Vì đó, quá trình xây dựng phải bảo đảm khớp nhau mới có tính khả thi.

Bí thư Hà Nội chỉ đạo rõ: Quy hoạch lần này phải tạo ra nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô; tạo ra những cực tăng trưởng mới, trong đó có 2 thành phố trực thuộc.

Đối với thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), đây là thành phố về dịch vụ, thông minh và hội nhập, kể cả phát triển công nghiệp cũng chỉ là dịch vụ như logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ các chuỗi sản xuất công nghiệp xung quanh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...

Đồng ý về định hướng không gian với 3 trục phát triển quan trọng trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải có tư duy rộng trong tính toán không gian, đặt Hà Nội trong liên kết Vùng Thủ đô.

Vì vậy, phải nghiên cứu thêm về hạ tầng, kết nối được Hà Nội với các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc bằng đường sắt. Đây chính là lý do khi đề xuất xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đã đề nghị kết hợp giải phóng mặt bằng luôn phần đất để tích hợp đường sắt quốc gia vào.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý, các quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lần này phải kèm theo các phụ lục nêu rõ danh mục các dự án, các dự án ưu tiên thực hiện, để làm căn cứ huy động nguồn lực, triển khai.

Việc quy hoạch này phải được lấy ý kiến nhân dân. Cơ quan hữu trách phải tổ chức các hội thảo huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia. “Qua đó, vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của nhân dân, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung để triển khai thực hiện”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.