(GD&TĐ) - Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch phát triển hệ thống GD Mầm non, GD phổ thông, GD Thường xuyên, GD Chuyên nghiệp và Quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế |
Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục của Hà Nội sẽ phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của thành phố năm 2030 tầm nhìn 2050, đáp ứng cả về quy mô và chất lượng, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước. GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập.
Đến năm 2015, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đi học mục tiêu đạt ít nhất 35%, trẻ mẫu giáo đạt 90%, duy trì 100% trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo, 100% trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới GDMN, 80% cơ sở GDMN ứng dụng tin học trong quản lý và giáo dục trẻ, tỷ lệ trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia 2030 đạt 75-80%.Từ nay đến năm 2030, mục tiêu của Hà Nội là xây dựng thêm 724 trường mầm non.
Duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục Tiểu học, tỷ lệ trường tiểu học công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030 đạt 75-80%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2030 đạt 75-80%.
Dự kiến từ năm 2011 đến năm 2030 sẽ cải tạo và xây thêm 234 trường Tiểu học, 108 trường THCS và 112 trường THPT. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản các trường học được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt kiên cố hoá, hiên đại hoá. Xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao.
Đến năm 2020 sẽ huy động trên 95% trẻ khuyết tật đi học các lớp phổ cập, trường chuyên biệt. 100% phường, xã, thị trấn có trung tâm học tập cồng đồng và hoạt động tốt. Nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 55% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.
Đảm bảo 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn nghề nghiệp, 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn về lý luận chính trị và có trình độ đào tạo trên chuẩn. Đến năm 2015, phấn đấu có 100 đến 150 giáo viên dạy các môn học khoa học tự nhiên ở bậc THPT có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.
Tuệ Văn