Cảnh giác với “lưỡi bò”

GD&TĐ - Để từ chối một việc nào đó, nhất là việc ấy mang lại lợi ích cho bản thân mình, quả là khó. Thế mà mới đây, ở Đà Nẵng, ông chủ một nhà khách đã từ chối khách đến lưu trú, dù nếu chấp nhận cho khách ở lại cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của ông. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hai vị khách nọ là người Trung Quốc. Họ bị từ chối dù đã đặt phòng trước, với lý do là sử dụng hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” phi pháp.

Thực ra, hai du khách này không phải cố tình in “lưỡi bò” lên hộ chiếu để chuốc lấy những rắc rối mà do bộ máy tuyên truyền của nhà nước họ. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để tuyên truyền cho “đường lưỡi bò” là cách mà Trung Quốc vẫn làm lâu nay sau những hành động trắng trợn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Trung Quốc vẫn xem Biển Đông là “ao nhà” của mình mà “đường lưỡi bò” như một sự minh chứng. Nghệ thuật “đi mãi thành đường” là cách mà Trung Quốc vẫn làm lâu nay. Họ luôn tìm mọi cách áp đặt ý đồ của mình lên các nước khác theo cách có lợi cho họ, bất chấp luật pháp quốc tế. Không chỉ in lên hộ chiếu mà ở rất nhiều sản phẩm tiêu dùng khác, nhất là áo, mũ và đồ lưu niệm bán cho du khách, Trung Quốc cũng “tranh thủ” in hình “đường lưỡi bò” ấy lên.

Du khách, nhất là khách quốc tế, vô tình đã tuyên truyền không công cho Trung Quốc về “đường lưỡi bò” - một sản phẩm của trí tưởng tượng đã bị Tòa án quốc tế bác bỏ sau khi
Philippines đâm đơn kiện hồi năm 2016.

Không chỉ tuyên truyền trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc cũng tranh thủ “nhờ” những công dân của họ mang “đường lưỡi bò” đi khắp thế giới thông qua con đường du lịch. Bên cạnh tấm hộ chiếu như đề cập trên đây, du khách Trung Quốc đã ngang nhiên mặc áo có in hình “đường lưỡi bò” nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa cách đây không lâu. 

May mà hải quan cửa khẩu phát hiện kịp thời và yêu cầu họ cởi bỏ số áo nói trên, thay bằng áo khác thì mới được nhập cảnh. Mới đây nhất, hôm 17/10, cơ quan chức năng TPHCM lại phát hiện một ấn phẩm quảng bá du lịch của Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist có in hình “đường lưỡi bò”.

Theo tường trình của lãnh đạo Saigontourist thì họ hoàn toàn không để ý đến ấn phẩm này vì đây là sản phẩm do Công ty Trung Thế (Trung Quốc) - một đối tác của Saigontourist mang sang Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế du lịch TPHCM vào hồi tháng 9. 

Thế đấy, Trung Quốc gần như đã huy động toàn bộ bộ máy tuyên truyền khổng lồ của mình vào việc khẳng định Biển Đông là lãnh hải của họ thông qua nhiều hình thức khác nhau, mà ấn phẩm quảng bá du lịch in kèm bản đồ có “đường lưỡi bò” là phổ biến nhất. Nếu không thường xuyên cảnh giác với các chiêu trò của Trung Quốc, chúng ta rất dễ bị những ấn phẩm tưởng như vô hại này “qua mặt” một cách dễ dàng. 

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia không chỉ là trên các diễn đàn trong nước và quốc tế, không chỉ bằng hành động trên thực địa hoặc lãnh hải, mà còn phải “cảnh giác” ngay trên những việc có vẻ như rất “nhỏ nhặt” này. Vì vậy, những chiêu trò không sạch sẽ ấy của phía Trung Quốc cần phải được vạch trần mọi lúc mọi nơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.