Bài tập nhận diện
Bài tập nhận diện là dạng bài tập giúp học sinh nhận diện các loại câu trong văn bản thuyết minh nhằm củng cố lại lý thuyết mà các em đã học. Khi học sinh làm dạng bài tập này, học sinh vừa được khắc sâu lý thuyết và vận dụng lý thuyết vào thực hành.
Với bài tập này, các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Đọc kĩ đoạn văn và yêu cầu của bài tập.
Bước 2: Nhận diện câu trong đoạn văn. Muốn nhận diện chính xác, học sinh phải phân tích cấu trúc ngữ pháp các câu để so sánh với khái niệm về câu.
Bước 3: Nhận diện đoạn văn. Để biết được đoạn văn trên có phải là đoạn văn thuyết minh không, phải xét những đặc điểm về câu trong đoạn văn có hướng đến cung cấp nội dung thông tin về một đối tượng nào không.
Từ những câu mang nội dung thông tin cùng hướng đến một đối tượng thuyết minh đến một đoạn văn thuyết minh hoàn chỉnh. Sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa các loại câu giúp đoạn văn vừa mang tính chuẩn xác vừa mang tính hấp dẫn.
Ví dụ: Giáo viên cho một đoạn văn và yêu cầu học sinh: Hãy cho biết đoạn văn trên câu nào là câu đơn, câu nào là câu ghép? Đoạn văn trên có tính chất thuyết minh không?
Bài tập phân tích
Bài tập phân tích là loại bài tập yêu cầu học sinh dựa trên những hiểu biết về ngữ pháp, mục đích giao tiếp để phân tích cách kết hợp của các đơn vị ngôn ngữ trong những sản phẩm giao tiếp nhất định đồng thời chỉ ra hiệu quả, tác dụng của cách kết hợp này. Dạng bài tập này giúp học sinh có khả năng phân tích các thành phần câu từ đó nắm vững kiến thức về câu.
Với bài tập này, các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Học sinh đọc kĩ văn bản và yêu cầu bài tập.
Bước 2: Học sinh muốn phân tích cấu trúc ngữ pháp chính xác phải nắm rõ những vấn đề cấu trúc câu tiếng Việt như thành phần nòng cốt câu, thành phần ngoài nòng cốt; nắm chắc tri thức lý thuyết về các loại câu.
Bước 3: Phân loại câu theo cấu trúc ngữ pháp và theo mục đích giao tiếp. Để thực hiện bước này, giáo viên giúp học sinh tái hiện lại nội dung kiến thức về câu phân loại theo hai loại khác nhau: Phân loại câu theo cấu trúc ngữ pháp và phân loại câu theo mục đích giao tiếp. Sau đó, nhận xét về sự kết hợp các kiểu câu trong đoạn trích.
Bước 4: Giáo viên nhận xét, đánh giá và rút kinh nghiệm để giúp học sinh khắc sâu kiến thức về câu trong văn bản và rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh.
Ví dụ : Giáo viên cho đoạn trích và yêu cầu học sinh: Hãy phân tích cấu trúc ngữ pháp của các câu? Phân loại câu theo cấu trúc ngữ pháp và theo mục đích giao tiếp. Nhận xét về sự kết hợp các kiểu câu trong đoạn trích.
Bài tập chuyển đổi, bổ sung
Đây cũng là loại bài tập cũng cho trước một ngữ liệu có sẵn, những yêu cầu chuyển đổi ngữ liệu về một phương diện nào đó (về thành phần cấu tạo, về trật tự từ sắp xếp, về kiểu cấu tạo...)
Loại bài tập này vừa có tác dụng củng cố khái niệm và quy tắc ngữ pháp, vừa góp phần rèn luyện năng lực tạo lập các sản phẩm mới, trước hết là câu, sau cùng tạo lập văn bản.
Ví dụ: Chuyển các câu trần thuật sang câu cảm; chuyển các câu trần thuật sau thành câu nghi vấn (câu hỏi), câu cầu khiến; thêm trạng ngữ vào nòng cốt câu; viết thêm nòng cốt câu vào những trạng ngữ cho sẵn.
Bài tập tạo lập
Đây là bài tập yêu cầu học sinh tạo nên một sản phẩm ngôn ngữ theo yêu cầu nào đó. Bài tập rèn luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh trước hết tạo lập câu rồi đến đoạn văn, văn bản.
Ví dụ: Viết đoạn văn thuyết minh có sử dụng hai câu ghép. Viết đoạn văn thuyết minh có sử dụng tất cả các loại câu phân theo mục đích giao tiếp...
Bài tập sửa lỗi
Đây là dạng bài tập yêu cầu học sinh phân tích và sửa lỗi câu trong văn bản thuyết minh nhằm củng cố những kiến thức lý thuyết, luyện kĩ năng sử dụng câu trong văn bản thuyết minh.
Ví dụ: Cho đoạn văn thuyết minh bị đánh dấu câu một cách lộn xộn. Em hãy đánh lại dấu câu cho các câu trong đoạn và bỏ đi những dấu câu không cần thiết.