Giữa dịch corona: Mở cửa trường học - người nôn nóng, kẻ thờ ơ

Giữa dịch corona: Mở cửa trường học -  người nôn nóng, kẻ thờ ơ

Ngập ngừng đưa con đến trường

Ngày đầu tiên HS Hải Phòng trở lại lớp học, các em được cha mẹ trang bị khẩu trang, bình giữ nhiệt, và mặc quần áo đủ ấm đến trường. Cô Nguyễn Thị Minh Khoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Trường có 1.352 học sinh nhưng sáng ngày 6/2 chỉ có 662 em đến trường, hơn một nửa học sinh xin nghỉ. Theo các giáo viên chủ nhiệm báo cáo, phụ huynh xin nghỉ cho con đến hết tuần để phòng dịch.

Cũng theo cô Khoa, một lý do khác khiến phụ huynh chưa đưa con trở lại trường do nhà trường tổ chức cho học sinh học dồn trong buổi sáng thay vì 2 buổi/ngày. Vì vậy, nhiều phụ huynh không kịp có kế hoạch đưa đón con buổi trưa nên cũng tạm thời cho nghỉ.

Tại Trường Mầm non An Dương (quận Lê Chân), cô Vũ Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để phòng dịch bệnh và thực hiện kế hoạch đón trẻ trở lại lớp sau 3 ngày nghỉ, nhà trường đã vệ sinh sạch sẽ lớp học, thuê công ty chuyên về phòng dịch đến phun khử trùng. Đồng thời nhắn tin tới từng phụ huynh thông tin về ngày đi học trở lại, tuy nhiên với đặc thù bậc học, số trẻ đến trường chỉ được khoảng 20%, trong tổng 450 trẻ.

Trường học mùa dịch cũng khác ngày thường. Theo cô Nga, trẻ đến trường đều được cha mẹ đeo khẩu trang, nhà trường xịt khuẩn tay trước khi vào lớp, sau khi chạm vào đồ vật, trước khi ăn... Trong lớp học, trẻ lớp mẫu giáo ý thức hơn việc giữ gìn vệ sinh cá nhân chịu khó đeo khẩu trang, còn những cháu lớp nhà trẻ hay mẫu giáo nhỡ, các cô phải nịnh mới đeo được khẩu trang cho con. Nội dung bài học, hoạt động cũng xoay quanh chủ đề phòng dịch…

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Trăm kiểu lo của phụ huynh

Quyết định cho con đi học trở lại nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc, quận Hải An vẫn lo lắng: Con học tiểu học, nhà không có người trông. Nếu nghỉ dài ngày, vợ chồng tôi thuê người hoặc cho cháu về quê. Đằng này, dịch bệnh phát sinh, con được nghỉ, bố mẹ trở tay không kịp. Băn khoăn lắm nhưng vẫn quyết định cho con đi học. Tôi lo đủ cho cháu từ khẩu trang, bình giữ nhiệt, xịt khuẩn nhưng vẫn không thôi lo lắng khi ngày ngày nghe tin tức diễn biến dịch.

Anh Nguyễn Thế Nghĩa (Lê Chân, TP Hải Phòng) nêu quan điểm: Dịch Corona chưa ở đỉnh điểm, diễn biến dịch phức tạp, mức độ lay lan nhanh và nguy hiểm. Vì vậy, tôi vẫn quyết định cho con nghỉ học ở nhà. Còn chị Vũ Thị Tho, quận Ngô Quyền cho biết: Con mình học cấp 2 nhưng xin phép cô giáo chủ nhiệm và thầy cô bộ môn cho nghỉ thêm 1 tuần nữa. Học chậm lại cũng chấp nhận, vì sức khỏe của con.

Trong tâm trạng lo lắng khi thời gian nghỉ học tránh dịch sắp hết, chị Nguyễn Thu Hòa – có con học lớp 3 Trường TH Cao Bá Quát – Gia lâm (Hà Nội) nói: Theo thông báo, ngày 9/2 kết thúc đợt nghỉ phòng chống dịch nCoV nhưng trong thâm tâm vẫn “lăn tăn” việc cho con đi học trở lại hay không. “Theo quan điểm của tôi, sự an toàn cho trẻ cần đặt lên hàng đầu, học là việc cả đời vì vậy nếu cần thiết thì nên tiếp tục cho HS nghỉ học. Dẫu sao khi trẻ nghỉ học sẽ tránh được tiếp xúc đám đông, nguy cơ lây nhiễm sẽ ít hơn”.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh – có 2 con đang học Trường TH Quỳnh Mai và THCS Quỳnh Mai – Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng cho rằng, nếu dịch bệnh giảm thì cho trẻ đi học. Trường lớp được phun khử trùng, vệ sinh… nhưng vẫn tốt hơn nếu trẻ sinh hoạt ở môi trường ít người, dễ kiểm soát dịch bệnh và sự lây lan bệnh hơn.

Có con trai học lớp 9 Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), anh Lê Giang Nam lại sốt ruột nếu nghỉ học lâu ngày. Bởi trước mắt các con có nhiều kỳ thi quan trọng, cần được hỗ trợ, chỉ bảo sát sao của GV.

Cũng như anh Nam, không ít phụ huynh có con học THCS, THPT lại muốn con nhanh chóng trở lại trường, một phần để nắm bắt kiến thức, phần vì ở nhà nhiều buồn chân buồn tay, chúng đến nhà bạn chơi hoặc rủ nhau đi trà chanh chém gió hay xem phim trong khi bố mẹ đi làm nên không thể quản lý được.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT 

Để thời gian nghỉ học không vô nghĩa

Dưới góc nhìn của mình, TS chuyên ngành Giáo dục Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công đã đưa ra lời khuyên: “Thay vì than vãn, bố mẹ hãy nhìn nhận đợt nghỉ với sự tích cực. Trẻ nghỉ ở nhà không những giúp phòng tránh virus Corona mà còn là dịp tốt để bố mẹ dạy con sinh tồn và tự lập”.

TS Vũ Việt Anh gợi ý những việc cần làm với cha mẹ khi con được nghỉ. Trước hết, trang bị cho con kiến thức vệ sinh cá nhân căn bản, rửa tay sạch, đúng cách bằng xà phòng, che mũi, miệng khi ngáp, hắt hơi, uống nước đầy đủ, mặc trang phục đúng cách, phù hợp với thời tiết. Cùng con dọn dẹp, thanh trùng nhà cửa, đồ đạc, trang bị kỹ năng sống, sinh tồn để con có thể bình tĩnh ứng phó với những biến động của cuộc sống (nếu xảy ra) trong tương lai.

Mặt khác, đây là dịp thuận lợi để anh chị lớn trong nhà học cách yêu thương, chăm sóc em nhỏ, gắn kết tình thân. Con lớn trong nhà sẽ trưởng thành hơn và hãnh diện vì đã đảm nhiệm được việc nhà giúp bố mẹ.

TS Vũ Việt Anh cũng cho rằng, có thể thành lập những tổ liên gia cắt cử người lớn giám sát, nhắc nhở các con tuân thủ nền nếp, quy định và duy trì học tập khi các gia đình khác đi làm, tránh cho các cháu di chuyển ra ngoài hoặc tới chỗ đông người. Việc gửi con tới nhà cô giáo chỉ là giải pháp tình thế, bởi nếu tập trung cả lớp tới nhà cô cũng chẳng khác gì đến trường, chưa kể không gian hẹp cũng là môi trường dễ lây nhiễm dịch hơn.

“Đưa con về quê với ông bà cũng là lựa chọn của nhiều gia đình, nhưng ở đâu con cũng cần biết và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về an toàn, sinh tồn. Sống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, tinh thần, nghị lực, tình yêu thương thường xuyên, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ là vũ khí mạnh mẽ nhất phòng chống bệnh dịch...” - TS Vũ Việt Anh khẳng định.

Nhiều người trong số chúng ta có thể có virus, nhưng 97% chúng có thể bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của những người khỏe mạnh, chỉ có khoảng dưới 3% những người có hệ miễn dịch kém mới có nguy cơ phát bệnh. Vì vậy, người già và trẻ em, những người có tiền sử bệnh tật, có hệ miễn dịch kém hơn cần được bảo vệ kĩ càng.
                                                                                   TS Vũ Việt Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.