Giọt máu cho đi, nụ cười ở lại

GD&TĐ - 3 ngày chính hội của lễ hội Xuân hồng 2018 nhanh chóng qua đi nhưng cũng đủ để lại ấn tượng với những người tham gia. Đó là một lễ hội ấm áp tình người, tràn đầy nhiệt huyết. Bịn rịn lúc chia tay, những người tham gia dù chưa từng quen biết trước đó nhưng đều hẹn gặp lại ở những chương trình tiếp theo bởi với họ, một giọt máu cho đi là một lần đón nhận hạnh phúc.

Giọt máu cho đi, nụ cười ở lại

Ngày hội cho đi

Lễ hội Xuân hồng 2018 thay vì chỉ được tổ chức tại một điểm, trong một ngày - thì năm nay có 3 ngày chính hội, một tuần lễ hưởng ứng trước đó. Và đặc biệt, rất nhiều điểm hiến máu được tổ chức ở các khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Với thông điệp Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống, ngày đầu tiên của lễ hội trùng với ngày đi làm (9/3) nhưng ban tổ chức đã thu gom được trên 900 đơn vị máu. Ngày thứ 7, Chủ nhật, lễ hội mới thực sự bắt đầu khi dòng người đổ về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương không đếm xuể. Tương tự, tại các điểm hiến máu khác, các y bác sĩ, tình nguyện viên luôn trong tình trạng làm việc không ngưng nghỉ.

Theo thống kê của ban tổ chức, tính đến cuối ngày 11/3, sự kiện trên đã thu hút 11.000 người tham gia, trong đó có 8.500 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận hơn 7.000 đơn vị máu. Như vậy, tính chung cả ngày chính hội và một tuần hưởng ứng trước đó, có trên 10.000 đơn vị máu được thu gom, vượt trên 2.000 đơn vị máu so với dự kiến.

Nụ cười ở lại

Với người bệnh mắc bệnh về máu và bác sĩ điều trị, ngân hàng máu quan trọng với họ thế nào. Bệnh nhân có thể không ăn, không ngủ nhưng không thể thiếu máu để điều trị, để truyền vào người họ nhằm duy trì sức khỏe, sự sống.

Do máu là chế phẩm đặc biệt, không thể dùng bất cứ nguyên liệu nào để sản xuất mà chỉ có thể lấy trực tiếp từ con người nên với người bệnh, một giọt máu họ nhận được đều quý giá. Còn theo bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, máu và chế phẩm máu có thời gian bảo quản nhất định. Do vậy, việc lưu trữ máu lâu dài là không thể nên rất cần hoạt động hiến máu tình nguyện trở thành thường xuyên, liên tục, với nhiều đối tượng tham gia để duy trì ngân hàng máu sống cũng như đa dạng nhóm máu phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân.

Trong ngày hội trên, có những gương mặt quen thuộc với y bác sĩ của bệnh viện, với các tình nguyện viên. Hòa trong dòng người nhộn nhịp, họ trò chuyện rôm rả. Phạm Văn Phương, sinh viên Học viện Quân y chia sẻ: 6 năm học trong trường cũng là khoảng thời gian chúng tôi gắn bó với lễ hội. 6 lần tham gia nhưng cảm giác mỗi lần một khác. Nếu như lần đầu không tránh khỏi những e dè, lo lắng thì ở những lần sau, tham gia ngày hội như một lần trở lại chốn xưa, nơi in dấu nhiều kỷ niệm, có chứa đựng việc làm ý nghĩa, những nụ cười luôn đọng lại sau mỗi giọt máu cho đi.

Ngoài Chủ nhật Đỏ, lễ hội Xuân hồng được biết đến là ngày hội lớn, thu hút sự tham gia, đăng ký hiến máu của người dân sinh sống tại Hà Nội và khu vực lân cận. Lễ hội được khởi xướng từ năm 2008, được Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện nhân rộng trên quy mô toàn quốc từ năm 2010. Tại Hà Nội, sau 11 lần tổ chức, lễ hội đã thu hút được hơn 200.000 lượt người tham gia, tiếp nhận xấp xỉ 80.000 đơn vị máu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ