Dày đặc lịch ăn cỗ
Cả tuần nay anh Thực và vợ chóng mặt vì lịch ăn cỗ dày đặc, đến nỗi gần tết mà bếp lửa trong nhà nguội tanh nguội ngắt, hai đứa con ở nhà hôm thì được đi theo bố mẹ, hôm thì được bố mẹ mua cho đồ ăn sẵn cho bữa tối.
Anh Thực ngồi nhẩm tính, nếu bình quân mỗi người có một chỗ làm việc chính từ cơ quan, công ty thì ít nhất sẽ có một buổi liên hoan tất niên.
Nhưng không dừng lại ở đây, mỗi người đều có mối quan hệ khác nhau nên có rất nhiều cuộc liên hoan. Các đối tác, cộng sự làm ăn chung cũng mời gặp gỡ tổng kết liên hoan. Những chỗ này thì không thể không đi, bởi mối quan hệ làm ăn lâu dài, còn gắn bó với công việc.
Tính sơ sơ dăm ba đối tác thì cũng phải có dăm ba cuộc liên hoan. Tuy nhiên, anh Thực vẫn còn dài dằng dặc lịch ăn cỗ nữa, nào là ăn tất niên ở khu phố cũng không thể vắng mặt.
Đồng nghiệp trong phòng lại lên kế hoạch tất niên phòng. Nhóm bạn đồng niên cũng lên lịch tụ tập tất niên. Nhóm bạn đại học cũng hồ hởi chốt lịch tất niên ở một resort gần thành phố khiến anh đầy lưỡng lự…
Ảnh minh họa. Nguồn phapluatplus.vn
Chốt hạ quyết tâm không thể bỏ được các mối quan hệ và cố gắng đi tất để đỡ mất lòng ai thì vợ anh Thực nhăn nhó thông báo cho biết hai bên nội ngoại có lời mời ăn cỗ “thay áo” (cải mả), cỗ giỗ rồi cỗ lên nhà mới (tân gia), cỗ tất niên họ, cỗ chập tổ… mà những “cỗ” này cứ dồn dập diễn ra dịp giáp tết và không thể không đi.
Còn đang tá hỏa với lịch ăn cỗ dày đặc, không biết phải nên từ chối cuộc nào, đi cuộc nào thì anh Thực lại nhận được cuộc điện thoại mời đi ăn gặp mặt nhân dịp bạn mấy năm từ miền Nam, từ nước ngoài mới về nhà ăn tết.
Cuối cuộc gọi, bạn lại hồ hởi, đến nhé, vì bạn đã đặt sẵn chỗ, mua sẵn quà cho gia đình anh. Đến nước này,dù được đi ăn không mất tiền, lại có quà mà anh Thực phải “nhăn nhó” đi, mặc kệ cái bụng rầu rĩ vì cỗ bàn, rượu bia liên miên đang đòi một bữa cơm nhà với thực đơn nhiều rau.
Đừng để “cỗ ăn người”
Việc bố trí “ăn cỗ” dày đặc cuối năm dẫn đến tốn thời gian. Không những thế, còn khiến không khí gia đình lạnh lẽo, hai vợ chồng lúc nào cũng tất bật lo đi ăn cho đúng giờ, mua quà gì, mặc quần áo gì, phong bì bao nhiêu… mà không đi chợ nấu cơm, chỉ ra chợ mua nhoáng nhoàng đồ ăn nhanh, đồ ăn nấu sẵn về cho con. Con cái ăn xong, đến giờ học, bố mẹ chưa về nên thường có tâm lý mải chơi, ít chú trọng việc học.
Ăn cỗ dù có cao lương mĩ vị đến mấy nhưng kéo dài lê thê cũng khiến cơ thể quá tải với chất đạm nên dễ dẫn đến “ngấy”, nhìn món gì cũng không thấy ngon.
Việc lạm dụng bia rượu cũng khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, không thiết làm gì. Chưa đến tết và chưa đi hết các đám cỗ những anh Thực thú nhận sức khỏe giảm sút rõ rệt chỉ vì ăn cỗ. Còn vợ anh Thực thì mếu dở khóc dở vì cân tăng vù vù, phí thời gian và tiền của tập luyện.
Điều đáng bàn nữa từ việc ăn cỗ quá nhiều, ngoài hại sức khỏe, dễ mất hòa khí, gia đình buồn tẻ, thiếu quan tâm con cái… thì không thể không kể tới việc tốn kém kinh tế.
Bình thường một lần đi cỗ, dù cỗ tân gia hay đám hiếu thì cũng phải tiền trăm, bằng cả bữa cơm gia đình nên khiến không ít gia đình nhăn nhó bởi túi tiền eo hẹp phải chi tiêu cho nhiều thứ dịp cuối năm.
Có hàng trăm ngàn lý do trở thành cái cớ để mọi người ngồi cùng mâm với nhau ăn cỗ. Mà đã ăn thì phải uống rượu, bia “chén chú chén anh”, nếu quá chén dễ dẫn đến say và không kiềm chế được hành vi.
Dịp Tết 2016, theo thống kê có đến hơn 5.000 người đánh nhau và có cả trường hợp tử vong mà một trong những nguyên nhân là do “quá chén”.
Làm thế nào để “ăn cỗ” thoải mái, vui vẻ, không ảnh hưởng gia đình, sức khỏe bản thân… là một lựa chọn không dễ, thậm chí buộc mỗi người phải cân nhắc, lựa chọn từ chối để “cỗ không ăn người.