Thực tế trên liệu đã diễn ra lâu đến nỗi đã trở thành một tiêu chuẩn được chấp nhận đối với các trường công tại nhiều quốc gia? Một bài viết của hãng thông tấn Business Insider cho rằng GV Mỹ phải chi 500 USD tiền túi của mình để mua đồ dùng giảng dạy như chì màu, phấn..
Dựa trên khảo sát trực tuyến về tình trạng lớp học, Công đoàn GD Australia cho biết cứ 10 GV trường công thì có tới 9 người sử dụng tiền riêng của mình để mua đồ dùng giảng dạy. Trong số này, gần 8/10 GV mua văn phòng phẩm hay thiết bị cho lớp học. Ngoài ra, một nửa GV ở trường công phải bỏ tiền để mua SGK và các nguồn tài nguyên cho thư viện.
Tại Anh, một cuộc khảo sát của tổ chức NASUWT thấy rằng cứ 5 GV thì có 1 người bỏ tiền riêng để mua đồ dùng lớp học, trong khi đó một nửa trong số họ mua thực phẩm, quần áo và thậm chí xà phòng cho HS nghèo – hãng tin The Guardian cho biết hồi tháng 4 vừa qua.
“Trong số hơn 4.300 GV trả lời cuộc khảo sát của NASUWT, 20% cho biết họ đã tự trả tiền mua đồ dùng như giấy, sách sử dụng trong các bài giảng của mình ít nhất mỗi lần một tuần, một nửa trong số đó cho rằng làm việc này vài lần một tuần” – báo cáo cho biết.
“Những người tham gia khảo sát cho thấy một hệ thống GD đang vật lộn để hoạt động mà không có các nguồn cung cấp cơ bản, một GV nói: ‘Chúng tôi sẽ không thể tiếp tục dạy học trừ khi chúng tôi tự bỏ tiền ra”.
45% GV nói với liên đoàn rằng họ cũng chi tiền riêng để mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho HS trong năm qua, chủ yếu là mua thực phẩm, trong khi đó 29% mua đồ vệ sinh, 23% cho biết họ mua quần áo, giày dép cho HS.
Nhiều GV phải bỏ tiền túi ra mua văn phòng phẩm dùng trong lớp học. |
Việc này có công bằng không?
Tuy một số GV sẵn sàng chi tiền riêng của mình cho những dụng cụ linh tinh như các loại văn phòng phẩm đang được ưa chuộng để khuyến khích HS học tập, nhưng liệu có đúng khi trông chờ họ trả tiền để mua các vật dụng cơ bản trong lớp học như thế này?
Hiệu trưởng Glen Carter của trường công Miranda nói với hãng tin Educator Australia rằng khi ông đưa ra câu hỏi cho các GV của mình rằng: “Liệu GV và hiệu trưởng có nên tự trả tiền cho các vật dụng cơ bản này không?”. Câu trả lời là “không”.
“Tôi cho rằng các trường công bị thiếu đồ dùng từ quá lâu, là những người làm GV chu đáo, muốn cung cấp những nguồn lực tốt nhất cho HS của mình, chúng tôi đã quen với việc mua đồ bằng tiền túi của mình” – ông nói.
Ông ví tình huống này giống như “các nhân viên hay y tá cứu thương trả tiền cho các vật tư y tế” hay “các thủ thư phải tự mua sách cho thư viện của mình”.
Thể hiện chính sách bất cập
Việc GV phải rút tiền túi để đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong lớp học hay học cách làm việc với một nguồn tài nguyên có giới hạn đã cho thấy một chính sách tồi đang được áp dụng.
Tuy một số GV tìm thấy các cách sáng tạo để giảm thiểu vấn đề như mở một trang quyên góp GoFundMe để chi trả cho đồ dùng học tập (họ cũng thêm việc cho mình), các chính phủ cần tăng cường các nỗ lực để đảm bảo các trường không bị thiếu tài nguyên, buộc GV phải khắc phục.
Việc cắt giảm ngân sách trường công cũng là một vấn đề lớn đối với các gia đình nghèo. Họ có rất ít lựa chọn và phải gửi con tại các trường công với nguồn lực có giới hạn mà không đủ tiền cho con đi học trường tư có điều kiện tốt hơn.