Giáo viên ngoài công lập mỏi mòn chờ hỗ trợ!

Giáo viên ngoài công lập mỏi mòn chờ hỗ trợ!

Chưa thấy tiền đã “ăn cháo hành”

Không có nguồn thu vì học sinh nghỉ học nhưng vẫn phải bảo đảm nguồn chi giữ chân người lao động, trả tiền thuê mặt bằng… là thực trạng đang diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục, nhóm trẻ ngoài công lập. Trong đó, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều nơi giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập chỉ được hưởng lương cơ bản, thậm chí không được hưởng lương vì trường học đóng cửa.

Khi hay tin có gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi dịch, nhiều giáo viên, nhân viên rất vui mừng. Tuy nhiên, khi tiến hành làm các thủ tục xem xét để nhận hỗ trợ, nhiều giáo viên, nhân viên phải lắc đầu ngao ngán vì “vướng” nhiều thứ.

Chị Huỳnh Thị Thúy An, nhân viên cấp dưỡng Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Thời gian gần 4 tháng trường đóng cửa, do hợp đồng thời vụ nên thời gian nghỉ chị không có lương. Gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn vì chồng bệnh, chị phải nuôi 2 con nhỏ! Không riêng trường hợp chị An, nhiều nhân viên cấp dưỡng, tạp vụ, bảo mẫu tại các trường trên địa bàn TP Cần Thơ cũng có chung tình cảnh. Trường nghỉ không có lương, khi hay tin có gói hỗ trợ thì nhanh chóng làm thủ tục. Tuy nhiên, khi tiến hành làm hồ sơ xem xét hỗ trợ lại “lấn cấn” giữa ngành Giáo dục, ngành LĐ,TB&XH và chính quyền địa phương.

Tại TP Cần Thơ, khi nhận được thông tin từ phòng LĐ,TB&XH các quận, huyện, hiệu trưởng các trường lập danh sách người lao động tại trường bị tạm hoãn hợp đồng mà không đủ điều kiện nhận bảo trợ thất nghiệp (theo nhóm 4 Nghị quyết 42 của Chính phủ) và làm thủ tục gửi lên. Họ hy vọng gói hỗ trợ giúp phần nào giảm bớt khó khăn cho cán bộ nhân viên nhà trường.

Theo chia sẻ của một hiệu trưởng trường tiểu học ở TP Cần Thơ, cả tháng nay vì chuyện làm hồ sơ mà nhân viên trường bức xúc. Lúc đầu phòng GD&ĐT gọi cho kế toán bảo lập danh sách, làm thủ tục. Trường tổng hợp gửi lên phòng LĐ,TB&XH quận để tổng hợp hồ sơ hỗ trợ. Sau đó, phòng LĐ,TB&XH lại trả về, cho biết người địa phương nào về địa phương nơi thường trú đó nhận. Vì lý do này mà nhân viên quê ở các tỉnh xa như Cà Mau, An Giang... buộc phải đi về tận địa phương mình.

Cô Đinh Ái Minh, nhân viên bảo mẫu Trường MN Tuổi Thơ, quận Bình Thủy (Cần Thơ) lo lắng: “Tôi quê ở tỉnh Cà Mau, khi phòng LĐ,TB&XH trả hồ sơ, tôi về tận Cà Mau làm thủ tục thì chính quyền địa phương nơi đây thông tin cho biết, tôi thuộc diện đối tượng 4 phải về nơi công tác làm thủ tục, hồ sơ nhận hỗ trợ. Tôi bối rối giờ không biết mình đi đâu, về đâu để được nhận hỗ trợ”.

Theo cô Bùi Bích Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ, quận Bình Thủy cũng mệt mỏi vì thủ tục hỗ trợ. Đây là trường ngoài công lập, có gần 60 nhân viên thuộc diện lao động bị tạm hoãn hợp đồng, không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Cả tháng loay hoay làm hồ sơ, phòng LĐ,TB&XH có lúc bảo tổng hợp hồ sơ, lúc bảo nhân viên ở đâu về địa phương đó, có lúc bảo tổng hợp tại đơn vị công tác... Vừa vất vả, vừa mất thời gian nhưng đến nay chưa ai nhận được hỗ trợ!

Mong lắm “một miếng khi đói”!

Trước những khó khăn của trường ngoài công lập, đặc biệt là hoàn cảnh mất thu nhập của hàng trăm giáo viên, nhân viên, nhiều nơi đã có văn bản cầu cứu. Như quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), theo thống kê trên địa bàn có 35 cơ sở ngoài công lập. Do dịch Covid-19, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên là 575 người. Mới đây, Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy có văn bản cầu cứu cơ quan chức năng trước khó khăn của hàng trăm giáo viên, nhân viên.

Theo Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, trường ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn về tài chính vì dịch. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không hưởng lương, không có nguồn thu nhập do cơ sở đóng cửa không hoạt động. Khi triển khai (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng) lại gặp khó do Điểm I, Mục II Nghị quyết có nêu: “Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng...”.

Như vậy, các đối tượng lao động là bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ hưởng lương từ nguồn thu bán trú tại các trường công lập và người lao động các cơ sở giáo dục ngoài công lập không thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của những người lao động trên do phải ngưng việc làm, bị mất thu nhập thường xuyên.

“Gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ rất kịp thời. Người nghèo, người bán vé số được hỗ trợ, không lẽ những người làm công tác giáo dục, phục vụ trường học không được hỗ trợ. Chúng tôi rất mong các cấp xem xét để có sự hỗ trợ giáo viên, bảo mẫu, những người phục vụ trong trường học công lập và tư thục nhận được hỗ trợ trong thời điểm hết sức khó khăn này”, một hiệu trưởng kiến nghị.

Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, sau khi Công đoàn Giáo dục Việt Nam có văn bản đề nghị hỗ trợ giáo viên, nhân viên và các trường học, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng dịch, UBND TP Cần Thơ có văn bản triển khai thực hiện. Đến nay các trường học tiếp tục làm hồ sơ hỗ trợ gửi phòng LĐ,TB&XH quận để xem xét. Kết quả ra sao phòng cũng chưa được nắm. Các giáo viên, nhân viên trường công lập và ngoài công lập cũng chưa ai nhận được hỗ trợ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ