Trả lời: Điều 19 Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ GD&ĐT, có nêu: Trách nhiệm của giáo viên bộ môn gồm: Thực hiện đầy đủ số lần kiểm tra; trực tiếp chấm bài kiểm tra, ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn kiểm tra bằng nhận xét), ghi nội dung nhận xét của người chấm vào bài kiểm tra; trực tiếp ghi điểm hoặc mức nhận xét (đối với các môn kiểm tra bằng nhận xét) vào sổ gọi tên và ghi điểm; đối với hình thức kiểm tra miệng, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của HS trước lớp, nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn kiểm tra bằng nhận xét) vào sổ gọi tên và ghi điểm thì phải thực hiện ngay sau đó.
Tính điểm trung bình môn học (đối với các môn học đánh giá bằng cho điểm), xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) theo học kỳ, cả năm học và trực tiếp ghi vào sổ gọi tên và ghi điểm, vào học bạ. Tham gia đánh giá, xếp loại hạnh kiểm từng học kỳ, cả năm học của HS.
Như vậy, sau khi giáo viên chấm bài kiểm tra, ghi kết quả điểm vào sổ gọi tên ghi điểm, giáo viên có trách nhiệm sửa lỗi của học sinh, trả bài kiểm tra lại cho học sinh để rút kinh nghiệm và học tập tốt hơn.
Tại Khoản 3 Điều 27 Điều lệ trường THCS và THPT có nhiều cấp học quy định về hệ thống hồ sơ, sổ sách về hoạt động giáo dục đối với giáo viên như sau: Giáo án; Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp; Sổ điểm cá nhân; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Như vậy, quy định trên hồ sơ của giáo viên không có nội dung lưu bài kiểm tra của HS. Căn cứ vào quy định nêu trên, việc giáo viên lưu giữ bài kiểm tra sau khi công bố điểm xong là chưa đúng theo mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện kiểm tra, đánh giá.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 29B, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com.