Trường học vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng sẵn sàng cho năm học mới

GD&TĐ - Tỉnh Sóc Trăng có 30% dân số, tương đương 400.000 hộ dân là đồng bào Khmer. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Sóc Trăng đã chú trọng quan tâm đến giáo dục vùng đồng bào dân tộc Khmer, quan tâm, chăm lo việc học cho con em đồng bào chu đáo hơn, tạo cho các em sự phấn khởi khi bước vào năm học mới.

Trường mới ở Mỹ Xuyên
Trường mới ở Mỹ Xuyên

Năm nay dự kiến toàn tỉnh có 71.500 học sinh dân tộc Khmer từ cấp mầm non đến THPT ra lớp. Để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trong dịp hè, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương đã tranh thủ các nguồn vốn để sửa chữa, xây mới phòng học, hàng rào, sân trường, nhà vệ sinh. Trường nào không được bố trí vốn thì tranh thủ các nguồn xã hội hóa để quét vôi, trang trí lại, tạo cảnh quan thoáng mát, sạch đẹp.

Ông Dương Thanh Hải, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề, cho biết: “Chuẩn bị cho năm học 2017-2018, huyện đã đầu tư sửa chữa, xây mới các điểm trường nhằm đảm bảo cơ sở vật phục vụ cho học sinh ra lớp, nhất là những địa bàn có đông đồng bào Khmer. Cụ thể, từ kinh phí sự nghiệp của ngành, nguồn hỗ trợ của UBND huyện trên 7 tỉ đồng toàn huyện có 18/51 điểm trường được đầu tư xây dựng, trong đó nâng cấp, sửa chữa 45 phòng học, xây mới 10 phòng, 10 công trình hàng rào, sân trường, 2 nhà vệ sinh. Riêng trường Tiểu họcTài Văn 1, từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, trường được đầu tư xây mới 8 phòng học với kinh phí gần 1 tỉ đồng”.

Tại trường Tiểu học Tài Văn 1, xã Tài Văn (huyện Trần Đề), từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, năm học này, trường được đầu tư xây mới 8 phòng học với kinh phí gần 1 tỉ đồng, trong đó có 5 phòng đã xây xong, đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng. Thầy Lâm Văn Khánh, Hiệu trưởng của trường, cho biết: “Với quy mô trường lớp cơ bản hoàn thiện như hiện nay, trường sẽ tổ chức dạy 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Chủ yếu buổi chiều sẽ dạy các chương trình nâng cao, năng khiếu”.

Ở thị xã ven biển Vĩnh Châu, ông Lê Văn Vui, Trưởng Phòng GD-ĐT cho biết: “Ngay từ đầu hè, ngành đã có kế hoạch tu sửa, nâng cấp trường lớp, các thiết bị và cơ sở vật chất còn thiếu; Tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và cả chính trị hè cho cán bộ, giáo viên. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp trường lớp và đội ngũ giáo viên sẵn sàng bước vào năm học mới”.

Năm 2017 - 2018, thị xã Vĩnh Châu có 2 trường được xây mới là trường THCS phường 2 và trường Tiểu học Vĩnh Tân 2 với tổng kinh phí xây dựng khoảng 30 tỉ đồng và đầu tư 2,5 tỉ đồng để sửa chữa 26 trường học. Hiện các trường đã sửa chữa, vệ sinh khuôn viên trường học để chào đón học sinh.

Ở huyện Long Phú, Phòng GD-ĐT huyện thực hiện sửa chữa, nâng cấp 9 điểm trường đã xuống cấp, với tổng kinh phí khoảng 4 tỉ đồng do tỉnh hỗ trợ, ngoài ra các trường còn sử dụng nguồn kinh phí của đơn vị để quét vôi, sửa chữa nhỏ và chỉnh trang trường lớp. Bên cạnh đó, Ngành GD-ĐT Long Phú cũng sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, xóa 10 điểm lẻ bậc Tiểu học, Trung học cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ