Trao thực quyền cho Hội đồng trường: Xóa sổ cơ chế xin - cho

Trao thực quyền cho Hội đồng trường: Xóa sổ cơ chế xin - cho

Quyền lực của Hội đồng trường

PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Luật số 34 và Nghị định 99 quy định các trường được toàn quyền quyết định những vấn đề liên quan đến tổ chức, tài chính, học thuật; trong đó đặc biệt nhấn mạnh về tự chủ học thuật. Theo đó, các trường được quyết định đào tạo cái gì và đào tạo như thế nào nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đồng thời, các trường sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, với người học và với cơ quan Nhà nước. “Như vậy, Luật số 34 và Nghị định 99 đã xóa bỏ cơ chế xin – cho; xóa bỏ việc cấp các giấy phép con trong quản trị về chuyên môn học thuật. Đây là yếu tố căn bản nhất, giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể vươn lên, đáp ứng nhu cầu của xã hội” – PGS Hoàng Văn Cường khẳng định.

PGS.TS Hoàng Văn Cường

Cho rằng, việc trao thực quyền cho Hội đồng trường là điểm nhấn quan trọng của Luật số 34 và Nghị định 99, PGS Hoàng Văn Cường trao đổi: Theo quy định của hai văn bản này, Hội đồng trường được toàn quyền quyết định những nội dung liên quan đến quản trị nhà trường như: Tổ chức bộ máy nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất…. Với cơ chế này, Hội đồng trường có toàn quyền quyết định trong cơ chế hoạt động của nhà trường và tính tự chủ thực sự được phát huy.

PGS Hoàng Văn Cường cho biết thêm: Luật Đầu tư công sửa đổi đã giao cho Chính phủ quy định cho các cơ sở giáo dục đại học được quyền quyết định đến các nguồn vốn đầu tư. Hy vọng, tới đây Chính phủ sẽ có hướng dẫn Luật này, khi đó sẽ trao quyền lớn hơn cho các cơ sở giáo dục đại học.

GS Nguyễn Quang Kim 

Bày tỏ tâm đắc khi Nghị định 99 đã có các quy định về văn bằng kỹ sư; PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định: Quy định này sẽ không còn chuyện cào bằng giữa bằng kỹ sư với bằng cử nhân. Đây là lợi thế cho các trường kỹ thuật nhưng cần có sự thống nhất giữa các trường trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật và Nghị định. Vì thế, các trường kỹ thuật cần chú ý việc này và nâng cao chất lượng đào tạo để không làm mất đi uy tín, danh dự của bằng kỹ sư.

Không nên có quá nhiều văn bản hướng dẫn

GS.TS Nguyễn Quang Kim - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Thủy lợi đề xuất, quá trình triển khai Luật số 34 và Nghị định 99 cần có sự đồng bộ trong toàn hệ thống giáo dục đại học. Hiện nay, những cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, nhưng một số trường đại học trực thuộc các Bộ khác vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, chẳng hạn như vướng mắc về công tác nhân sự hoặc sáp nhập các khoa…

GS Nguyễn Quang Kim đặt vấn đề: Theo quy định, việc biên soạn quy chế tổ chức hoạt động do hiệu trưởng đảm nhiệm, Hội đồng trường sẽ ban hành quyết nghị… Tuy nhiên, nếu theo quy định này, Hội đồng trường không soạn được văn bản? Giả sử hiệu trưởng trì hoãn việc trình văn bản lên Chủ tịch Hội đồng trường, vô hình trung trường đó sẽ không thực hiện được các quy định của luật. Do đó, nên chăng thành lập Ban soạn thảo cấp trường để cùng nhau thảo luận và thống nhất ban hành.

Triển khai thực hiện Luật số 34 và Nghị định 99 cần có sự đồng bộ trong toàn hệ thống giáo dục đại học
 Triển khai thực hiện Luật số 34 và Nghị định 99 cần có sự đồng bộ trong toàn hệ thống giáo dục đại học

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 99 do Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin: Trong cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng đã có ý kiến về việc các bộ ngành, địa phương, cơ quan chủ quản của các cơ sơ giáo dục đại học cần thực hiện theo tinh thần của Luật số 34 và Nghị định 99. Bộ trưởng cho biết: Sẽ tổng hợp các ý kiến để trong phiên họp Chính phủ tới sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học, phải thống nhất thực hiện hai văn bản trên. Từ đó có sự thống nhất, đồng bộ thực hiện cả trường công lập cũng như trường tư thục trên toàn quốc.

Liên quan đến nội dung soạn thảo các văn bản mà GS Nguyễn Quang Kim đề cập, Bộ trưởng nhấn mạnh: Không có lý do gì mà hiệu trưởng không trình văn bản cho Hội đồng trường. Trong trường hợp hiệu trưởng vi phạm các quy định, Hội đồng trường có thể bãi nhiệm; hoặc văn bản làm không đạt yêu cầu thì hội đồng trường có thể yêu cầu làm lại.

Theo Bộ trưởng, khi thực hiện cơ chế tự chủ, mỗi trường sẽ có cách làm riêng. Văn bản mẫu có cái hay nhưng cũng có những hạn chế nhất định như: Văn bản có thể phù hợp hoặc không phù với nhiều trường. Vì thế, Nghị định 99 đã hướng dẫn rất rõ và đầy đủ; Các trường có thể dựa vào để triển khai thực hiện. Bất kỳ hướng dẫn nào trái với Luật và Nghị định này sẽ không được chấp nhận.

“Tôi khuyến khích tính tự chủ của các trường trong xây dựng văn bản pháp quy. Các trường chủ động xây dựng quy chế hoạt động và không nên có quá nhiều văn bản hướng dẫn. Nhiều, cụ thể nhưng không cẩn thận lại thành thiếu” – Bộ trưởng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ