Kết luận của ĐHQG TPHCM vụ 11 giảng viên kiện Trưởng Khoa Hàn Quốc học nêu gì?

GD&TĐ - ĐHQG TPHCM vừa có thông báo về việc giải quyết đơn kiến nghị của 11 giảng viên Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

Trường ĐHKHXH&NV TPHCM, nơi có 11 giảng viên kiện Trưởng khoa Hàn Quốc học
Trường ĐHKHXH&NV TPHCM, nơi có 11 giảng viên kiện Trưởng khoa Hàn Quốc học

PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG TPHCM vừa ký thông báo về giải quyết đơn kiến nghị của 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học với Trưởng khoa Nguyễn Thị Phương Mai.

Thông báo kết luận 3 vấn đề chính mà nhóm giảng viên này kiến nghị.

Thứ nhất là về kiến nghị cho rằng cô Nguyễn Thị Phương Mai chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm Trưởng khoa theo quy định (khi chưa là giảng viên, chưa qua lớp bồi dưỡng chính trị, có 2 quốc tịch…).

Kết luận của tổ thẩm tra ĐHQG TPHCM nêu: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã ban hành các quy định về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với vị trí quản lý, triển khai việc bổ nhiệm các vị trí quản lý một cách công khai, dân chủ từ Đảng ủy cơ sở đến Chi ủy khoa, Ban chủ nhiệm khoa và tập thể giảng viên.

Đây là sự phân cấp từ ĐHQG TPHCM về thẩm quyền bổ nhiệm vị trí quản lý của đơn vị. Như vậy, việc bổ nhiệm này đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện, quy định của pháp luật, của đơn vị.

Về kiến nghị cho rằng Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý và điều hành, năng lực quản lý yếu, điều hành khoa Hàn Quốc học độc đoán, chuyên quyền và tùy tiện,  ĐHQG TPHCM nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận điều này.

Ví dụ như việc quy định vắng trên 30% cuộc họp xem như không hoàn thành nhiệm vụ đã được Trưởng khoa nêu ra trong cuộc họp, nhưng thực tế tiêu chí này cũng không áp dụng vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên.

Qua các chứng cứ mà tổ xác minh có được, qua trao đổi trực tiếp với những người có liên quan cũng không có cơ sở kết luận Trưởng khoa nói ra những câu từ khiến cho người tiếp nhận có cảm giác bị đe dọa. Tuy nhiên, người đứng đầu khoa còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong xử lý một số tình huống, đặc biệt trong một số giao tiếp, làm việc với các nhân sự. Bà Phương Mai cần rút kinh nghiệm một cách sâu sắc từ việc này để có những cải tiến tốt hơn trong việc quản lý và điều hành công việc.

Một số kiến nghị của giảng viên là có cơ sở, như việc Trưởng khoa không thông báo chính thức bằng văn bản về việc thay đổi quy trình mời giảng viên thỉnh giảng, công tác triển khai Chương trình chất lượng cao còn hạn chế.

Về kiến nghị Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa Hàn Quốc học,  Tổ thẩm tra của ĐHQG TPHCM cho biết không đủ cơ sở, minh chứng kết luận Trưởng khoa cho phép công ty của một giảng viên Hàn Quốc gần gũi, thân thiết với mình chiếm dụng, sử dụng văn phòng khoa vào mục đích cá nhân.

Quy chế thực hiện dân chủ của trường chưa có quy định cụ thể những nội dung này thuộc trách nhiệm công khai của Trưởng khoa. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phương Mai cần xem xét, nghiên cứu các quy định hiện hành để ban hành các văn bản cụ thể hóa cách thức điều hành, quản lý và công khai tài chính tại đơn vị.

Đối với Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn,  ĐHQG TPHCM đề nghị nhà trường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của viên chức và người lao động tại đơn vị, có giải pháp thông tin để không xảy ra việc kiến nghị, phản ánh vượt cấp, giám sát và đôn đốc Trưởng khoa Hàn Quốc học trong việc thực hiện kết luận của ĐH.

Trước đó vào đầu năm 2021, 12 giảng viên (sau đó một người rút đơn) của khoa Hàn Quốc học (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM) nộp đơn xin nghỉ việc với lý do phản đối kết luận của nhà trường về kết quả xác minh các kiến nghị phản ánh liên quan đến Trưởng khoa Nguyễn Thị Phương Mai; Đồng thời, các giảng viên này gửi đơn phản ánh lên Thanh tra Chính phủ.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn TPHCM đã giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động cho các giảng viên này theo nguyện vọng .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.