Đầu vào thấp: Yêu cầu giải trình căn cứ

GD&TĐ - Trong bối cảnh các trường ĐH được quyền tự chủ tuyển sinh, vấn đề đặt ra là cần công khai, minh bạch về chất lượng đào tạo; Đồng thời tăng cường thanh tra, hậu kiểm để các trường tuyển sinh và đào tạo đúng quy định.

Cần có chế tài hợp lý với những cơ sở đào tạo làm không đúng quy chế tuyển sinh.
Cần có chế tài hợp lý với những cơ sở đào tạo làm không đúng quy chế tuyển sinh.

Không nên xem nhẹ bất cứ công đoạn nào

Theo ông Đào Phong Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng (Trường ĐH Cần Thơ), điều mà ai trong chúng ta cũng thấy, trong bối cảnh tự chủ, nguồn thu chính của các trường sẽ là học phí. Do đó, bên cạnh việc đầu tư lớn và bài bản cho công tác tuyển sinh, nhiều trường có xu hướng nới lỏng các yêu cầu xét tuyển đầu vào nhằm tuyển được số lượng mong muốn. Lập luận của các trường là sẽ có các biện pháp giúp bảo đảm chất lượng của sinh viên tốt nghiệp (đầu ra).

Thật khó để giải bài toán này và cho được đáp án hài hòa về số lượng cũng như chất lượng. Là người làm công tác quản lý chất lượng, ông Lâm ủng hộ việc siết chặt toàn bộ tiến trình gồm đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra. “Tôi nghĩ các trường không nên có tư tưởng thỏa hiệp, dẫn đến việc xem nhẹ hay nương tay đối với bất cứ công đoạn nào”, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo ông Lâm, để thực hiện tốt hình thức ghi danh theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp  THPT, các cơ sơ đào tạo cần lưu ý: Kỳ thi này nhằm đánh giá năng lực của học sinh sau 12 năm học; còn tuyển sinh ĐH có ý nghĩa giúp xác định năng lực của  người học mong muốn theo học ở một trường ĐH cụ thể. Do đó, các trường ĐH cần thiết lập ngưỡng đầu vào của riêng mình, bảo đảm không thấp hơn ngưỡng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Sau công đoạn tuyển sinh, các trường cần tuân thủ chặt chẽ yêu cầu về tiến trình đào tạo. Ông Lâm viện dẫn: Mạng lưới chuyên đề bảo đảm chất lượng (Mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH Đông Nam Á (AUN)) phân định rõ hệ thống bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo gồm 3 trụ cột: Chương trình (Programme), Nguồn lực (Resources) và Kết quả (Results). Về lý thuyết, nếu tuyển sinh được người học có năng lực tốt, các trường sẽ không cần lo lắng quá về tiến trình đào tạo. Ngược lại, khi chất lượng của đầu vào kém, để bảo đảm kết quả (đầu ra), các trường cần có sự đầu tư, nỗ lực nhiều hơn với chương trình và các nguồn lực. Đặc biệt, việc xây dựng chuẩn đầu ra đáp ứng được nhu cầu của các bên liên quan và thị trường lao động, cùng hoạt động đánh giá kết quả học tập của sinh viên phải dựa trên nguyên tắc: Kiến tạo đồng bộ và giá trị, tin cậy.

Thí sinh và phụ huynh cần cẩn trọng trước các thông tin tuyển sinh lấy điểm đầu vào thấp.
Thí sinh và phụ huynh cần cẩn trọng trước các thông tin tuyển sinh lấy điểm đầu vào thấp.

Kiểm tra đề án tuyển sinh của các trường

Cũng theo ông Lâm, với vai trò quản lý, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục hướng dẫn các trường và thực hiện thanh tra, kiểm tra đề án tuyển sinh, hồ sơ tuyển sinh, chương trình đào tạo (đầu vào); tiến trình dạy và học, hoạt động đồng khóa ngoại khóa, thực tế - thực tập, liên kết doanh nghiệp (quá trình đào tạo); kết quả đánh giá, tốt nghiệp, cơ sở dữ liệu việc làm sinh viên tốt nghiệp (đầu ra). Đặc biệt, yêu cầu về kiểm định chất lượng bao gồm công tác tự đánh giá (do các trường thực hiện) và đánh giá ngoài (do trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện) về chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục. Áp dụng nghiêm việc xử phạt và khen thưởng theo kết quả thực hiện.

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Quy trình tổ chức đào tạo ở cơ sở giáo dục ĐH phải chặt chẽ. Muốn vậy, nhà trường phải công khai minh bạch toàn bộ hoạt động đào tạo của mình và phải tăng cường giám sát xã hội.

Các trường cần tổ chức quy trình đào tạo chặt chẽ, giảm thiểu gian lận như: Tổ chức thi trên máy tính, trắc nghiệm khách quan hoặc đào tạo theo tín chỉ. Về phía các cơ quan chủ quản nên xây dựng chính sách và chấp nhận hình thức giám sát xã hội, đưa công nghệ cao vào giám sát. Mặt khác, cần có chế tài xử lý nghiêm minh những trường ĐH sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo.

“Kinh nghiệm từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho thấy, khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố, kỳ thi do địa phương chịu trách nhiệm toàn diện. Nếu địa phương nào để xảy ra tiêu cực, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Đây cũng là bài học có thể ứng dụng vào quá trình tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH” - TS Lê Viết Khuyến viện dẫn, đồng thời đề xuất: Cần đẩy mạnh tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo của các trường. Tổ chức kiểm định chất lượng phải là đơn vị độc lập. Ngoài ra, cần hình thành cơ chế giám sát tổ chức kiểm định. Nếu hoạt động sai có thể rút giấy phép tổ chức kiểm định đó.

TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trường làm trái quy định của Quy chế tuyển sinh, hoặc với các ngành/nhóm ngành nếu trường đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào quá thấp, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu trường giải trình căn cứ và cơ sở khi đưa ra mức điểm đó, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra. Quy chế tuyển sinh 2020 cũng quy định, thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình các căn cứ để xây dựng tổ hợp tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT cần có giải pháp bảo đảm mặt bằng kiến thức thống nhất trên toàn quốc. Nói cách khác, các trường ĐH cần được đảm bảo sẽ tuyển được thí sinh tốt nghiệp bậc trình độ 5 (theo quy định tại Khung trình độ quốc gia) có năng lực tương đương, bất kể là các em đến từ vùng miền nào trên toàn quốc. Điều này đòi hỏi sự gắn kết, liên thông của cả hệ thống giáo dục, đặt ra hàng loạt các yêu cầu, như là việc chuẩn hóa về đội ngũ giáo viên phổ thông, chuẩn hóa việc dạy - học ngoại ngữ, xóa bỏ khoảng cách trong ứng dụng công nghệ thông tin và chênh lệch trong điều kiện về cơ sở vật chất. - Ông Đào Phong Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ