Bình Phước: Đột phá trong giáo dục tiểu học nhờ SEQAP

GD&TĐ - Qua gần 6 năm triển khai thực hiện Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học(SEQAP) tại tỉnh Bình Phước, Chương trình đã góp phần nâng cao kiến thức, kĩ năng dạy học 2 buổi/ngày cho cán bộ, giáo viên, giúp cán bộ quản lí các trường biết xây dựng kế hoạch dạy học cả ngày một cách hiệu quả. 

Học sinh trường tiểu học Trinh Hoài Đức học tập tốt hơn từ khi có Chương trình SEQAP hỗ trợ
Học sinh trường tiểu học Trinh Hoài Đức học tập tốt hơn từ khi có Chương trình SEQAP hỗ trợ

Đảm bảo sức khỏe cho học sinh tới trường

Với sự hỗ trợ của Chương trình SEQAP và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa tham gia Chương trình SEQAP đã được tiếp cận và chuyển đổi sang mô hình dạy học cả ngày, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên.

Chương trình SEQAP không chỉ mang lại hiệu quả về chất lượng giáo dục mà còn đảm bảo sức khỏe cho học sinh học tập và không còn tình trạng học sinh bỏ học do khó khăn trong đời sống, khó khăn do đi lại. Cha mẹ học sinh cũng rất phấn khởi khi con mình được chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ trưa, các cháu lớn từng ngày. Chính bản thân các em cũng ấm áp trong mỗi bữa cơm từ sự quan tâm tới bạn bè, đến những món ăn được thay đổi mỗi ngày. Em nào cũng cảm thấy đến trường thật khỏe và hứng thú hơn biết bao.

Thông qua 2 Quỹ Phúc lợi học sinh và Quỹ Giáo dục nhà trường mà SEQAP hỗ trợ trong thời gian thực hiện, các trường đã tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh, khen thưởng cho các em đi học đều, học tập tốt và hỗ trợ giáo viên, bổ sung sách giáo khoa, tài liệu học tập, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất.

Nhờ học cả ngày và được ăn trưa ngay tại trường nên học sinh có thêm thời gian dành cho việc học, các em có điều kiện để nắm vững kiến thức hơn;

Chương trình SEQAP đã có tác động rất lớn và hiệu quả thiết thực trong việc duy trì sĩ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần giữ vững thành quả phổ cập giáo dục tiểu học. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục tiểu học được tăng lên, góp phần thúc đẩy giáo dục của địa phương phát triển một cách toàn diện.

Học sinh bỏ học giảm tối đa qua các năm, đến cuối năm học 2015-2016, toàn bộ các trường tham gia SEQAP có 2/21.225 học sinh bỏ học, tỷ lệ 0,009%, giảm 0,49%, giảm hơn 55 lần so với khi chưa tham gia Chương trình.

Chú trọng hoạt động ngoài giờ

Trong thời gian Bình Phước áp dụng Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, Ban Giám hiệu các trường đã nhận thức được tầm quan trọng của việc tổ chức, quản lý tốt đối với trường dạy học cả ngày.

Nhờ đó, các trường đã thực hiện tốt việc tham gia tích cực các lớp bồi dưỡng chuyên đề, giao lưu tham quan học tập trường bạn và đặc biệt chú trọng bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên của trường, thường xuyên tham gia dự giờ thao giảng tổ khối, trường và cụm. Quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy công tác hỗ trợ, bồi dưỡng học sinh. Do đó, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành lớp học giảm dần.

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt chất lượng giáo dục cấp độ 3 được nâng cao. Chất lượng giảng dạy của giáo viên được nâng lên, hầu hết giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, biết đổi mới phương pháp giảng dạy, biết áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh, có ý thức trong việc trang trí lớp học xanh, sạch, đẹp.

Các trường đã chú trọng tổ chức các hoạt động ngoài giờ cho học sinh, tham gia các phong trào cấp huyện, cấp tỉnh có giải cao. Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được chú trọng đã hỗ trợ các trường trong việc sửa chữa, xây dựng thêm cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động vui chơi cho học sinh.

Các thầy cô giáo cũng nhận thấy các hoạt động ngoài giờ đặc biệt có ý nghĩa giúp học sinh tự tin hơn, có những trải nghiệm và cơ hội để thể hiện năng khiếu của bản thân. Theo đó, các em cũng cảm thấy hứng thú hơn sau mỗi giờ học mệt mỏi.

Kết quả đạt được của Chương trình không những đảm bảo mục tiêu của SEQAP nhằm cải thiện chất lượng giáo dục trường học qua việc xây dựng mô hình dạy học cả ngày, góp phần nâng cao chất lượng kết quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho các nhóm đối tượng mà còn có sức lan tỏa sang các trường không tham gia SEQAP.

Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên các trường ngoài SEQAP được tập huấn về kỹ thuật, phương pháp dạy học và áp dụng hiệu quả vào quá trình tổ chức dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học ở tỉnh nhà.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, chất lượng giáo dục tiểu học của tỉnh Bình Phước trong năm học 2015-2016 đã ngang bằng với chất lượng giáo dục tiểu học toàn quốc, có một số chỉ tiêu cao hơn so với mặt chung của toàn quốc.

Có được kết quả này, ngoài sự góp sức của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường tiểu học thì Chương trình SEQAP cũng góp một phần không nhỏ trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học của tỉnh Bình Phước.

Nhiều trường Tiểu học tại Sở GD&ĐT Bình Phước sau khi triển khai Chương trình SEQAP đã nhân rộng những thành tựu của Chương trình như chuyển dần sang dạy học cả ngày, tỷ lệ học sinh học cả ngày của tỉnh là 56,15% tăng 30,22%, hơn 2 lần so với trước khi thực hiện Chương trình.

Các trường cũng đã thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, xây dựng bếp ăn, tổ chức ăn bán trú cho học sinh, tỷ lệ học sinh ăn bán trú hiện nay là 11,95%, tăng 6,37%, tăng hơn 2,1 lần so với khi chưa thực hiện Chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ