1 năm triển khai CTSGK lớp 1 mới tại Ninh Bình: Thành công nhờ nỗ lực không ngừng

GD&TĐ - Năm học 2020 - 2021, Ninh Bình có 147 trường tiểu học, 6 trường tiểu học & THCS với 589 lớp 1 và gần 2.000 học sinh lớp 1 bước vào thực hiện CT, SGK mới.

HS lớp 1 tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành chương trình cuối năm với tỉ lệ 98,34%. Ảnh: Đức Trí
HS lớp 1 tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành chương trình cuối năm với tỉ lệ 98,34%. Ảnh: Đức Trí

Trải qua những khó khăn ban đầu, ngành Giáo dục Ninh Bình đã đúc rút ra những kinh nghiệm quý để triển khai tốt hơn.

Bà Phạm Thị Tuất – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình) cho biết: Các trường đã hướng dẫn phụ huynh cách hỗ trợ con học ở nhà; cùng con tham gia hoạt động giáo dục tại trường. 100%  HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày; sắp xếp bố trí vị trí phòng học và công trình phụ trợ phù hợp HS lớp 1. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục hiện đại được tăng cường, bảo đảm đủ GV/lớp; chủng loại GV.

Đáng nói, 100% GV dạy lớp 1 được tập huấn, bồi dưỡng về Chương trình GDPT 2018, phương pháp dạy học các môn học đối với lớp 1. Thầy cô bước đầu chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và điều chỉnh nội dung bài học phù hợp với HS.

Kết thúc năm học, HS nắm vững kiến thức, kĩ năng: Đọc, viết, nói, nghe. Các em biết vận dụng kiến thức, kĩ năng làm tính vào thực hiện các nội dung bài tập liên quan. 19.347 HS lớp 1 đã hoàn thành chương trình cuối năm (đạt 98,34%).

Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) cho rằng: Đổi mới CT, SGK lớp 1 hiệu quả nhất định phải làm tốt 3 bước.

Trước hết, về cơ sở vật chất phải được chuẩn bị đầy đủ bởi điều đó sẽ hỗ trợ tích cực và tăng hiệu quả cho việc dạy học.

GV và HS lớp 1 Trường Tiểu học Gia Vân (Gia Viễn – Ninh Bình) trong tiết tiếng Việt. Ảnh: Đức Trí
GV và HS lớp 1 Trường Tiểu học Gia Vân (Gia Viễn – Ninh Bình) trong tiết tiếng Việt. Ảnh: Đức Trí

Cùng đó, công tác tập huấn GV phải kĩ càng. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn có thể cùng nghiên cứu và thảo luận bài giảng, giúp GV vững vàng phương pháp dạy theo yêu cầu mới. Mỗi dạng bài của môn học, đặc biệt môn chính có thể xâydựng một chuyên đề để GV trao đổi, rút kinh nghiệm.

Cuối cùng cần làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng đến từng phụ huynh để có sự hỗ trợ nhà trường, GV tốt hơn trong quá trình dạy học.

Cô Phạm Thị Hồng Quyên, Tổ trưởng khối 1, Trường Tiểu học Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư - Ninh Bình) chia sẻ: Để thực hiện tốt hơn về phía GVphải tích cực tự học, bồi dưỡng, tham gia đầy đủ lớp tập huấn của Bộ, sở, phòng tổ chức.

GV cần nắm bắt được tình hình thực tế của nhà trường để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với điều kiện của trường lớp, năng lực HS. Trong quá trình triển khai thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp chứ không dạy theo “kịch bản” xây dựng từ đầu năm.

“Việc linh hoạt đổi mới phương pháp dạy học vô cùng cần thiết. Đặc biệt, GV phải kết hợp với cha mẹ HS để trang bị cơ sở vật chất đầy đủ cho việc dạy và học. Từ đó, GV có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, HS được học tập và phát huy tối đa năng lực phẩm chất…”, cô Phạm Thị Hồng Quyên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ