"Giảm tải" kiểm tra, đánh giá học sinh thế nào trong mùa dịch?

"Giảm tải" kiểm tra, đánh giá học sinh thế nào trong mùa dịch?

Hạn chế câu hỏi vận dụng cao

Cô Đỗ Thị Hoàng Diễm – giáo viên Trường Tiểu học Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Dạy học trực tuyến có những hạn chế nhất định và nó chỉ là giải pháp tình thế. Mong rằng, dịch bệnh Covid-19 sớm đi qua để cô – trò có thể ổn định học tập. 

“Trong bối cảnh hiện nay, nên kiểm tra, đánh giá những gì cơ bản nhất. Chỉ cần các con ở mức nhận biết là được, chưa cần sang mức thông hiểu và vận dụng. Tất nhiên, để phân hóa học sinh, có thể nâng lên mức thông hiểu và vận dụng thấp, còn mức vận dụng cao như trước đây là rất khó” – cô Diễm nêu ý kiến.

Theo cô Diễm, đối với bậc tiểu học, vẫn có thể cho học sinh kiểm tra trực tuyến, không nhất thiết phải kiểm tra trực tiếp. Chẳng hạn: Giáo viên cho học sinh làm bài kiểm tra trên trang olm.vn. Qua đó, vẫn có thể đánh giá chất lượng của học sinh mà các em cũng không bị áp lực. “Giáo viên nào cũng lo lắng chất lượng học tập cho học sinh của mình, bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là tự trọng nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dạy – học như hiện nay, nên chăng cấp trên đưa ra tiến trình thời gian và yêu cầu tối thiểu cần đạt. Còn việc dạy học để giáo viên chủ động, linh hoạt theo điều kiện thực tế của lớp học và phù hợp với đối tượng học sinh” – cô Diễm đề xuất.

“Chúng tôi hướng dẫn nhà trường: Dạy gì kiểm tra đó. Việc kiểm tra, đánh giá phải sát với điều kiện dạy – học và chỉ nên kiểm tra kiến thức trọng tâm trong nội dung dạy học của mình. Chẳng hạn, trước đây, trong bài kiểm tra thường có 4 mức độ: Nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao. Nhưng trong điều kiện dạy – học như hiện nay chỉ nên áp dụng ở mức: Nhận biết – thông hiểu, có chăng bổ sung phần vận dụng trong các bài kiểm tra” – cô Nguyễn Thị Phương Lan

Từng là Hiệu trưởng trường THCS, nay là Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thái Nguyên, cô Nguyễn Thị Phương Lan cho biết: Phòng GD&ĐT đã hướng dẫn các trường và giáo viên xây dựng chủ đề dạy học. Trong điều kiện dạy học hiện nay, cần ưu tiên dạy những nội dung sát với thực tế của học sinh và bám sát vào nội dung chương tình đã được giảm tải.

Theo cô Lan, điều quan trọng nhất là cần giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản và học đâu chắc đấy, không để “rơi rụng” kiến thức. Khi nào đến trường, giáo viên có trách nhiệm ôn tập lại cho các em. Có thể dành 1 - 2 tuần đầu của năm học mới để củng cố lại những kiến thức trọng tâm của năm học 2019 – 2020.

Vẫn phải nghiêm túc

Đồng quan điểm, cô Trần Thị Nga – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) cho rằng: Việc “giảm tải” mức độ kiến thức trong bài kiểm tra là cần thiết. Chúng ta không nên áp dụng “thước đo” của năm học trước hoặc của học kỳ I để đánh giá chất lượng học sinh trong học kỳ này. Tất nhiên, cũng không nên làm cho xong, cho “đẹp” hồ sơ. Ngoài ra, tùy từng trường và điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường có cách đánh giá phù hợp.

“Riêng đối với lớp 12, giáo viên cần bám sát vào đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT để điều chỉnh phương pháp dạy học và định hướng ôn tập, giúp các em tự tin bước vào Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Đối với khối 10 - 11 cũng có thể căn cứ vào đề thi tham khảo để có định hướng trong dạy – học cho cả thầy và trò” – cô Nga trao đổi.

Khẳng định không vì lý do dịch bệnh mà xuê xoa trong kiểm tra đánh giá, chất lượng, ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm bài bản và bám sát vào chương trình mà Bộ GD&ĐT đã tinh giản. Trước khi kiểm tra, đánh giá, các trường cho học sinh ôn tập lại kiến thức đã học. Quan điểm của sở là, nghiêm túc và sát với thực tế dạy – học hiện nay. Vì thế, bài kiểm tra có thể hạn chế câu hỏi vận dụng cao nhưng vẫn phải bảo đảm các mức độ: Nhận biết – thông hiểu và vận dụng.

Theo ông Tuấn, để bảo đảm chất lượng của học sinh, trong năm học tới, các trường cần yêu cầu giáo viên hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn: Học sinh lớp 3 của năm nay, sang năm lên lớp 4 sẽ được giáo viên của khối 4 hỗ trợ trong việc củng cố, bổ sung kiến thức của lớp 3. Tuy nhiên, việc này sẽ khó khăn hơn với học sinh cuối cấp, vì năm học mới, các em sẽ chuyển trường. “Vì thế, thời gian này, chúng tôi dành nhiều sự quan tâm hơn đối với học sinh cuối cấp” – ông Tuấn cho hay.

 Việc đánh giá chất lượng học sinh năm nay không thể áp dụng theo năm học trước. Giả sử, năm học 2018 – 2019, chúng ta yêu cầu học sinh phải đạt 10 tiêu chí, năm học này có thể chỉ cần 5 tiêu chí là được. - Cô Trần Thị Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.