Do vậy, toàn ngành đang nỗ lực vượt khó để sẵn sàng cùng với ngành GD-ĐT cả nước bước vào năm học mới với mục tiêu, kỳ vọng mới.
Khó khăn bộn bề
Chia sẻ về những khó khăn trong việc thực hiện Chương trình GDPT mới, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết: Đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, thư viện, phòng thí nghiệm... tại trường học ở Sơn La còn thiếu. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa mới đạt 63,4%; còn lại là phòng học bán kiên cố, tạm, nhờ, mượn. Theo thống kê, tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày của tỉnh Sơn La mới đạt gần 50%.
Ngoài ra, sau khi sáp nhập, một số trường có số học sinh đông, số lớp quá lớn. Nhiều học sinh phải đi học xa hơn so với quy định…
Trước những khó khăn trên, ngành GD Sơn La đã rà soát, thống kê thực trạng cơ sở vật chất hiện có, ưu tiên phòng học cho khối lớp 1 để tổ chức dạy và học theo Chương trình GDPT mới. Từ đó, làm cơ sở cho việc xác định nhu cầu đầu tư mới; đồng thời xây dựng đề án tăng cường đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2021 - 2025.
"Sở GD&ĐT Sơn La tập trung hoàn thiện dự thảo Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Dự kiến Sơn La đầu tư xây dựng khoảng 19 nghìn nhà/phòng/hạng mục trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, bổ sung mới hơn 15 nghìn nhà/phòng/hạng mục; xoá khoảng gần 3.900 nhà/phòng hiện đang nhờ, mượn, tạm. Để hoàn thành mục tiêu trên, ngành GD&ĐT Sơn La sẽ cần khoảng gần 5.400 tỷ đồng", PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.
Chạy đua thời gian
Để thực hiện thành công Chương trình GDPT mới, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Sở chú trọng tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng Đề án bổ sung biên chế giáo viên giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu xây dựng Đề án phát triển giáo dục mầm non, Chương trình SGK năm học 2020 - 2021. Sở cũng chủ động lên kế hoạch tham mưu xây dựng Đề án tăng cường cơ sở vật chất giai đoạn 2021 - 2025, trình các bộ ngành để cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư. Nguồn vốn được sử dụng từ kinh phí sự nghiệp và các nguồn kinh phí khác.
Song song với đó, Ngành GD&ĐT Sơn La sẽ tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm bảo đảm việc triển khai Chương trình GDPT mới đúng tiến độ, yêu cầu.
Chia sẻ về việc triển khai bồi dưỡng giáo viên, cô Lương Thị Tám, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho hay: Các đơn vị đã chọn 2 bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống, bởi phù hợp với điều kiện và năng lực học sinh đưa vào giảng dạy trong năm học tới.
Cũng theo cô Tám, thầy cô giáo giảng dạy lớp 1 theo Chương trình GDPT mới đều được tập huấn tại tỉnh, sau đó tiếp tục được tham gia tập huấn tại huyện để hiểu nội dung tổng thể chương trình, truyền tải được kiến thức người biên soạn gửi gắm qua trang sách đến học trò theo cách của riêng mình, phù hợp với điều kiện nhà trường, nhận thức học sinh.
Thầy Hà Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Quỳnh Nhai, Sơn La) thông tin thêm: Nhà trường đã chọn giáo viên tham gia đã tập huấn theo chỉ đạo của ngành. Hiện các thầy cô giảng dạy môn văn hóa cũng như môn chuyên ngành đều được tập huấn chi tiết, tỉ mỉ, sẵn sàng đón học sinh lớp 1 đến trường.
Cũng theo thầy Bình, cùng với việc thực hiện tập huấn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, nhà trường liên tục triển khai tập huấn đại trà. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thầy cô được Bộ GD&ĐT cấp tài khoản qua mạng để tiếp cận, nắm được phương pháp giảng dạy mới, tổ chức tiết dạy mẫu để giáo viên cùng tham gia, rút kinh nghiệm.
Cùng với việc chuẩn bị đội ngũ, Trường Tiểu học Kim Đồng trang bị thêm bàn ghế mới, hoàn thiện cơ sở vật chất để tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô trong việc giảng dạy, trò tiếp thu kiến thức dễ dàng.
Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Sơn La sẽ mua sắm thiết bị dạy học và thư viện theo Đề án bảo đảm cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình GDPT mới, với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí trên sẽ được đầu tư theo từng giai đoạn cụ thể.