(GD&TĐ) - Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 là một trong những đề án quan trọng của ngành GD&ĐT đang được các địa phương trong cả nước nỗ lực triển khai thực hiện nhằm đạt mục tiêu chung là đến năm 2015 sẽ có 100% tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập. Thái Bình nhiều khả năng sẽ là tỉnh tiếp theo được công nhận sau Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương và Vĩnh Phúc.
Các trường mầm non ở Thái Bình đều được xây dựng rất khang trang với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát |
Cả xã hội vào cuộc
Tuy là tỉnh thuần nông, kinh tế chậm phát triển nhưng trong những năm qua, Thái Bình đã có sự đầu tư rất lớn cho giáo dục và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Thái Bình hiện có 299 trường mầm non (trong đó có 296 trường công lập, 3 trường tư thục), 293 trường tiểu học, 271 trường THCS, 40 trường THPT. Tỉ lệ huy động trẻ đi học ở các cấp học đạt tỉ lệ cao, số trường đạt chuẩn quốc gia tăng theo từng năm học.
Trong những năm qua, Thái Bình đã đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp, ưu tiên cho các lớp mầm non 5 tuổi, tập trung đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, xây dựng phong học kiên cố, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, tăng cường đầu tư bộ thiết bị dạy học tối thiểu, phần mềm trò chơi ứng dụng CNTT cho các trường lớp.
Cùng với nguồn kinh phí của các địa phương, trong năm 2011, ngân sách tỉnh đã đầu tư hơn 11 tỉ đồng để mua 299 bộ thiết bị tối thiểu cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi ở 299 trường mầm non. Năm 2012, cùng với chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư 24 tỉ đồng, tỉnh đã dành 7 tỉ đồng để mua thiết bị tối thiểu cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi, trang bị máy vi tính cho các trường mầm non thuộc xã điểm xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các nhóm lớp năm học 2011-2012 là hơn 398 tỉ đồng.
Là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội, nguồn thu ngân sách không cao nên ngành GD-ĐT Thái Bình phải dựa và công tác xã hội hóa. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục nên các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã huy động được nhiều tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học.
Hầu hết các trường mầm non ở Thái Bình đều được xây dựng rất khang trang, cho dù đó là những xã ở các huyện nghèo như Quỳnh Phụ và Hưng Hà. Do kinh phí đầu tư từ trên xuống còn hạn chế nên nhiều xã đã phải huy động vốn từ nguồn xã hội hóa, từ các mạnh thường quân. Lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh đều quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục.
Một lớp học ứng dụng CNTT |
Đời sống GV cần được đảm bảo
Trong những năm qua, Thái Bình đã có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hàng năm đều có kế hoạch tuyển mới, bổ sung giáo viên trẻ có trình độ chuyên môn đạt chuẩn vào ngành, tăng cường chế độ chính sách cho đội ngũ GV.
Thái Bình có những đột phá trong việc tuyển dụng GVMN để họ có thể yên tâm gắn bó với nghề. UBND tỉnh đã có chế độ chính sách đối với đội ngũ GVMN, đặc biệt là GVMN ngoài biên chế. Tỉnh đã tiến hành tuyển dụng biên chế cho 100% GV khối trưởng và 287 kế toán trường mầm non. GV ngoài biên chế đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ để đóng BHXH, BHYT, hỗ trợ hoạt động công đoàn như GV trong biên chế nhà nước, được hưởng thu nhập theo bảng lương của GVMN theo trình độ đào tạo.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Trọng, phó chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, trong thời gian tới, cần cải thiện hơn nữa thu nhập cho GVMN. Hiện nay thu nhập trung bình của một GVMN tại huyện Hưng Hà cũng như ở Thái Bình chỉ vào khoảng 2,2-2,7 triệu đồng/ 1 tháng, trong khi các cô phải làm việc tới 10 tiếng mỗi ngày, kể cả thứ 7 và thậm chí phải làm cả chủ nhật. Đây là con số nhỏ so với những người làm các ngành nghề khác.
Đã là GV trong các trường công lập thì nên cho tất cả các cô vào biên chế, đó là ý kiến của ông Lê Nguyên Tân, bí thư đảng ủy xã Hồng An, huyện Hưng Hà. Tuy hiện nay GV hợp đồng đã được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, được hưởng thu nhập theo bảng lương nhưng họ vẫn thiệt thòi so với những GV được biên chế như không được hưởng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên...
Vườn rau của bé- một mô hình giúp trẻ tiếp cận với thiên nhiên |
Không vì phổ cập 5 tuổi mà quên các lớp 4 tuổi, 3 tuổi
Phổ cập giáo dục mầm non góp phần rất lớn giúp trẻ 5 tuổi được chuẩn bị mọi phương diện, nhất là ngôn ngữ trước khi vào lớp 1. Các nhà khoa học đã nói đến năm 6 tuổi, 50% trí tuệ của con người đã được hình thành. Chăm lo cho các em 5 tuổi bây giờ chính là chăm lo cho tương lai đất nước sau 15-20 năm nữa.
Trong những năm tới, Thái Bình sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, phấn đấu dần từng bước đạt phổ cập GDMN cho trẻ em các độ tuổi 3 và 4 tuổi. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để xóa dần phòng học cấp 4, tăng cường huy động nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư các bộ thiết bị tối thiểu, các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các lớp mầm non.
Tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung thêm biên chế cho các trường mầm non, bảo đảm chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên MN theo đúng quy định của Nhà nước. Hàng năm có kế hoạch bổ sung đội ngũ dần đảm bảo đủ số lượng theo quy định cho tất cả các độ tuổi. Ưu tiên bố trí GV có trình độ chuyên môn trên chuẩn và chuẩn nghề nghiệp đạt từ loại khá trở lên dạy các lớp 5 tuổi.
Theo bà Đoàn Kim Phượng, phó GĐ sở GD&ĐT Thái Bình, việc ưu tiên phòng học và GV có trình độ cho các lớp MN 5 tuổi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các lớp học MN khác vì Thái Bình có thể đáp ứng được chất lượng của GVMN tất cả các lớp học. Hiện nay, toàn tỉnh có 7174 cán bộ GV, trong đó có tới hơn 99% đạt trình độ từ trung cấp trở lên, do đó số GV đứng lớp đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn.
Bên cạnh 2589 phòng học đã được xây dựng kiên cố (chiếm 75,4% tổng số phòng học), trong những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây mới và tu sửa các trường học, hướng tới mục tiêu tất cả các phòng học trong tỉnh đều được xây dựng kiên cố. Ngân sách tỉnh sẽ dành ưu tiên lớn nhất cho GDMN, giải quyết dứt điểm 13 xã chưa đạt phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Năm 2013, ngành GD-ĐT Thái Bình sẽ xây dựng đề án phát triển GDMN Thái Bình giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030, xây dựng trường MN bình đẳng với các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, để GDMN xứng đáng với vai trò là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam.
Việt Cường