Giáo dục đại học Việt Nam: Văn hóa chất lượng đã thành hình

Giáo dục đại học Việt Nam: Văn hóa chất lượng đã thành hình

(GD&TĐ) - Xây dựng và phát triển một nền giáo dục đại học (GDĐH) đáp ứng nhu cầu người học, hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, gắn với nhu cầu thực tế xã hội là định hướng mà ngành Giáo dục đã và đang hướng đến. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập, sự phát triển nhanh chóng của KH - CN, những thách thức của tiến trình hội nhập, việc các trường ĐH nói riêng, nền GDĐH nói chung cần phải thiết lập được chuẩn chất lượng đầu ra, cũng như xây dựng được khung chương trình Quốc gia là điều bắt buộc. 

h
Giảng viên, sinh viên với các công trình NCKH. Ảnh: Chí Lâm

Hệ thống GDĐH chuyển từ chất sang lượng

Hệ thống GDĐH Việt Nam vận hành trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thế giới việc làm. Việc xây dựng một xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, luôn đáp ứng với những thay đổi là một trong các nhiệm vụ hết sức quan trọng và mang tính  quyết định.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương XI với mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế”, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều quyết sách và chiến lược mang tính toàn diện.

Đặc biệt, hệ thống GDĐH được xem là một trong 3 khâu cần đột phá, cải cách mạnh mẽ nhằm mang đến một sự chuyển biến rõ rệt.  Hội thảo Quốc tế “Xây dựng văn hoá chất lượng và Khung trình độ quốc gia” một lần nữa khẳng định nhiệm vụ đổi mới, chuẩn hoá chất lượng đào tạo, kiểm định chặt chẽ đầu ra của nhân lực là hướng đi đúng đắn mà toàn ngành đang quyết tâm thực hiện.

Không chỉ có ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM và hệ thống các trường ĐH công lập (ĐHCL), rất nhiều trường ĐH ngoài công lập (ĐHNCL) đã và đang xây dựng nhiều bộ tiêu chí kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo trong và ngoài nhà trường, nhằm tạo một sức hút cho nhân lực do mình đào tạo.

Theo TS Hoàng Thị Xuân Hoa - Viện đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội, việc hệ thống GDĐH đang chuyển dịch từ quy mô và số lượng sang chất lượng và tính hệ thống, ngoài việc cho thấy sự ổn định của hệ thống GDĐH Việt Nam, nó còn cho thấy các tiêu chí đánh giá trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, khung chương trình, đội ngũ… là đòi hỏi bắt buộc của quá trình hội nhập, đổi mới.

Thống kê của Vụ GDĐH cũng cho thấy, hệ thống các cơ sở GDĐH trong 5 năm qua được phát triển và mở rộng trên phạm vi cả nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội. Năm 2013, Việt Nam có tổng cộng 476 cơ sở GDĐH, trong đó có 207 trường đại học, 214 trường cao đẳng và 55 viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ.

Hệ thống các trường ngoài công lập cũng được hình thành và phát triển, chiếm 19,7% trong tổng số 421 trường đại học, cao đẳng (54 trường đại học và 29 trường cao đẳng). Quy mô sinh viên tăng nhanh đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu học tập của người dân và nhu cầu nhân lực của phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tổng số sinh viên đại học và cao đẳng là 2.204.313 trong đó số sinh viên học các trường ngoài công lập là 331.595 (chiếm 15,04%); 79.271 học viên cao học và 6.233 nghiên cứu sinh. Tổng số giảng viên trên toàn quốc là 84.109 giảng viên, trong đó 9,152 tiến sĩ (chiếm 10,88%), 36.360 thạc sĩ (chiếm 43,23%). 

Cùng với quá trình phát triển mở rộng của GDĐH, chất lượng GDĐH cũng từng bước được cải thiện. Văn hoá chất lượng ở các cơ sở GDĐH đang được hình thành với việc nhiều cơ sở đã thành lập cơ quan chuyên trách về đảm bảo chất lượng, một số cơ sở GDĐH đã tham gia kiểm định chương trình đào tạo của AUN-QA bên cạnh các chương trình kiểm định, đánh giá như: APQN - bộ tiêu chí của mạng lưới chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương, INQAAHE - bộ tiêu chí của mạng lưới quốc tế các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, AQAN - bộ tiêu chí của mạng lưới đảm bảo chất lượng các nước ASEAN. AUN - bộ tiêu chí đánh giá của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á… đã khẳng định hướng đi đúng đắn của hệ thống GDĐH nước nhà. 

TS Phạm Xuân Thanh, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT nhận định: Sau vài năm triển khai công tác kiểm định và đánh giá ngoài các chương trình và chất lượng đào tạo, Hệ thống đảm bảo chất lượng GDĐH ở Việt Nam đã tạo được niềm tin trong các cơ sở GDĐH.

Sự tin tưởng này hỗ trợ các cơ sở GDĐH cùng nhau hợp tác trong việc chuyển đổi tín chỉ, trao đổi SV và công nhận bằng cấp lẫn nhau. Từ những thành tựu ban đầu trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống GDĐH Việt Nam đã bắt đầu triển khai dự án “Khung trình độ Quốc gia” - NQF nhằm giúp hệ thống GDĐH Việt Nam trở nên minh bạch hơn, hỗ trợ sự trao đổi SV giữa các quốc gia trong khu vực (tham gia AQAN) và trên thế giới.

NQF có chức năng như một công cụ quan trọng cho công tác đảm bảo chất lượng giáo dục. Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ là một phần của khung trình độ khu vực. Từ nền tảng văn hoá chất lượng đã được định hình trong hệ thống GDĐH, ông Thanh tin tưởng GDĐH Việt Nam sẽ còn chuyển biến mạnh mẽ hơn về chất lượng đào tạo khi thực hiện khung trình độ quốc gia.

Chất lượng nguồn nhân lực đầu ra vẫn là yếu tố cốt lõi để khẳng định thương hiệu của các trường ĐH
Chất lượng nguồn nhân lực đầu ra vẫn là yếu tố cốt lõi để khẳng định thương hiệu của các trường ĐH
 

Khung trình độ Quốc gia, hướng đi mang tính hội nhập

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng vụ GDCN, Bộ GD&ĐT, việc xây dựng công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng là một nguyên tắc bắt buộc trong tiến trình phát triển. Từ kinh nghiệm của các nước, việc để có một Khung trình độ quốc gia (KTĐQG) theo ông không phải là việc quá khó khăn nếu chỉ dựa vào hệ thống văn bằng hiện có và tham khảo các KTĐQG trên thế giới hoặc khu vực.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia nhận thấy để có thể đưa KTĐQG vào cuộc sống đòi hỏi trong quá trình xây dựng phải lôi cuốn được các bên liên quan tham gia (cơ quan quản lý ngành, đại diện giới sử dụng lao động, cơ sở GD&ĐT, đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp...). Đồng thời, phải được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật cùng với các hoạt động kiểm định các điều kiện đảm bảo chất lượng và phải có một cơ quan đặc trách của quốc gia về vấn đề này. 

Đặc biệt, việc xây dựng KTĐQG phải đảm bảo 5 tiêu chí cơ bản:

1. Được mô tả dễ hiểu, phân biệt được năng lực theo mỗi cấp trình độ, tin cậy, không được quá chi tiết, quá cụ thể mà phải linh hoạt và có thể điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với những thay đổi của thế giới việc làm, phù hợp với thực tiễn của khu vực và thế giới để đảm bảo tính hội nhập.

2. Phản ánh được năng lực đầu ra của một quá trình giáo dục và đào tạo gắn với khối lượng học tập tương ứng với mỗi trình độ.

3. Phải thống nhất trong một khung chung và được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

4. Việc xây dựng KTĐQG phải có sự tham gia của các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, các tổ chức xã hội và các bên liên quan khác.

5. KTĐQG phải  được quản lý bởi một cơ quan nhà nước để bảo đảm  tính chuẩn hóa của trình độ, văn bằng và các điều kiện đảm bảo chất lượng liên tục, khuyến khích học tập suốt đời.

Trên quan điểm chia sẻ kinh nghiệm, ông Sok Khorn, Hội đồng kiểm định Campuchia (ACC) cho rằng: Việc xây dựng chương trình kiểm định, đánh giá ngoài không chỉ tác động trực tiếp đến ý thức của đội ngũ GV, cán bộ quản lý mà còn tác động đến cả tổ chức khi cách dạy và học tại trường thay đổi thông qua phản hồi của các nhóm khác nhau, như cựu SV, nhà tuyển dụng khi nhà trường tham gia các chương trình đánh giá, kiểm định.

Ông Adinin Bin MD Salleh, Hội đồng kiểm định quốc gia Brunei nhìn nhận: Việc xây dựng một KTĐQG không chỉ giúp hệ thống GD quốc gia ấy định hình được một sự phát triển chất lượng bền vững, ổn định mà còn giúp cho chính các cơ sở tham gia kiểm định, đánh giá theo KTĐQG có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Brunei xây dựng KTĐQG (EDQF) trên nguyên tắc phát triển và phân loại trình độ dựa trên các tiêu chuẩn đã được công nhận cấp quốc gia và ngang bằng quốc tế.

Đồng thời phân loại mức độ học thuật đạt được, kết quả đầu ra của lĩnh vực học và hệ thống tín chỉ dựa trên thời lượng học tập của SV. Những định hướng ấy được Brunei xây dựng trên 7 nguyên tắc cơ bản gồm: Công nhận trình độ, công nhận lĩnh vực đào tạo, trình độ, kết quả đầu ra, tín chỉ và thời lượng học tập, linh động trong việc chuyển đổi, lộ trình đào tạo đối với phát triển cá nhân (học tập suốt đời).

TS Chantavit Sujatanond- Thành viên Hội đồng Phát triển hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH Thái Lan (ONESQA, Thái Lan) cũng đồng tình khi cho rằng: Việc xây dựng một KCTQG bên cạnh các bộ tiêu chuẩn kiểm định và đánh giá sẽ giúp các trường nỗ lực cố gắng và điều chỉnh quá trình đào tạo nhân lực của mình.

Ông chia sẻ, Khung trình độ Thái Lan (TQF) được xây dựng trên 7 nguyên tắc cơ bản. Trong đó, bốn yếu tố như: Thiết lập các tiêu chuẩn chuyên môn cho GDĐH tương ứng với chuẩn toàn cầu. Cung cấp quyền tự chủ cho mỗi trường ĐH.

Thúc đẩy việc học tập suốt đời và xác định chuẩn đầu ra như một yêu cầu tối thiểu đối với vấn đề đảm bảo chất lượng SV… được xem là các nguyên tắc chính để TQF hướng đến mục tiêu: Xúc tiến văn hoá chất lượng cho việc quản lý GD trong mỗi trường ĐH  và để đảm bảo chuẩn tốt nghiệp cho mỗi chương trình.

Trao quyền tự chủ cho mỗi chương trình đào tạo nhằm giám sát và kiểm soát chất lượng tốt nghiệp phù hợp với chuẩn đầu ra, đồng thời gián tiếp bãi bỏ các quy định để có được quy trình thúc đẩy quản lý GDĐH hiệu quả hơn. 

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ