(GD&TĐ) - Sau cơn bão số 11, dù gia đình chịu nhiều tổn thất về tài sản, nhưng những ngư dân xã Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn ra khơi như vốn dĩ thường nhật để mong kiếm ít đồng về trang trải cuộc sống cho gia đình. Cuộc mưu sinh miệt mài trên biển đầy hiểm nguy lại bắt đầu. Có cùng họ đi trên những chuyến ra khơi sau bão, mới thấy hết được những vất vả, gian nguy và cả những nét đẹp thuần phác của những con người chân chất, mặn mòi.
Nửa ngày làm ngư dân...
Ngư dân đang sửa soạn ghe thuyền để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới |
Chưa tới 3 giờ sáng, nuốt vội ổ bánh mỳ ngọt dự phòng trong ba lô, tôi xuống tàu, cùng những ngư dân thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) ra khơi. Trời miền Trung đã trở lạnh, sương đêm lúc này vẫn còn chưa tan hết. Nhưng những dân chài nơi đây không ai khoác lên mình một chiếc áo lạnh. Bằng những bước chân mạnh mẽ, khỏe khoắn, người vác lưới, kẻ cầm dầm chèo, người thì mang nước uống, một ngày làm việc mới của họ bắt đầu khi ánh mặt trời đầu tiên chưa lọt được qua màn đêm.
Tôi như dập dềnh trong cơn say khi con tàu của ngư dân An Lương ra đến vùng biển bao la sóng nước. Xa xa, những ánh đèn của các thuyền chài khác cũng nhấp nháy trong màn sương dày đặc. Nhô lên trên mặt biển là những chỏm núi xa của cụm đảo Cù Lao Chàm. Trong tiếng động cơ của tàu, trong tiếng nói chuyện của những người đàn ông làng chài, tôi mơ màng, thả mình trong trạng thái lơ lửng.
Câu chuyện của họ xoay quanh những cuộc bủa lưới, những chuyến ra khơi xa trước đây. Chưa đến nơi bủa lưới, ly rượu đã khề khà vào môi họ dường như để xua đi cái lạnh của nước, của hơi sương ngày càng nhiều thêm...Tôi cũng tự thưởng cho mình 1 ly bởi không dễ gì có được cơ hội ra khơi như thế này.
Trời bắt đầu sáng rõ hơn, tàu đã đến nơi bủa lưới, tiếng nói cười càng to hơn. Những bàn tay chai sạn, mạnh mẽ nắm và tung lưới, thả lưới xuống biển một cách rất khéo léo. Cứ nhìn những động tác của họ không thôi đã thấy cái nghề biển này không dễ ăn rồi. Tàu chạy theo hình tròn để giăng 1 đường lưới dài, vây đàn cá trích lại. Chỉ những ngư dân có kinh nghiệm lâu năm mới biết được chỗ nào bủa lưới là dính cả đàn, chỗ nào chỉ dính vài con, chỗ nào không dính một con nào. Chỉ cần soi đèn pin xuống nước, chạy một vòng quanh tàu là những ngư dân đi cùng tôi đã biết chỗ tàu mình đứng có cá hay không.
Ông Nguyễn Tư, chủ tàu mà tôi xin đi theo, vừa hướng dẫn mọi người làm, vừa bảo tôi: "Chú mi thấy nghề ni có khổ không? Mới ra tới nơi mà thấy chú mi hết sức sống rồi. Biển động như ri, đi rất là nguy hiểm. Nhưng thường sau cơn bão lớn, cá trích tụ về chỗ ni. Nên phải làm thôi. Ông cha mình sinh ra đã là thằng bắt cá, chứ không sướng chi mô. Ăn lộc trời, lộc biển đâu dễ chú mi...".
Nói rồi, ông Tư lấy bó hương, bóc ra, ngồi chụm xuống châm lửa vì giữa biển sóng rất to. Rồi ông xoay người 4 hướng, lầm rầm khấn vái, cúi lạy rồi cắm xuống đầu mũi thuyền. Ông bảo chỗ nào trên biển này cũng có âm linh, giống như trên đất liền vậy. Biết bao đời ông cha mình lăn lộn với từng con sóng, từng con cá biển. Người về đoàn tụ với vợ con cũng nhiều mà người vùi thân nơi mênh mông gió nước cũng không hiếm. Mỗi lần thả lưới, thắp nén hương, vừa là cầu mong họ phù hộ vùng này bình yên, cá vào lưới nhiều, đồng thời cũng thể hiện chút lòng tưởng nhớ, tôn kính...
Mẻ cá trích bội thu
Gỡ cá trích sau chuyến đánh bắt trở về |
Cũng phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, cuộc vây và thả lưới mới xong. Khi khúc lưới cuối cùng đã được đưa xuống biển, ngày mới cũng dần đến. Mặt trời lên cao, cái lạnh đã bắt đầu hòa cùng ánh nắng nên giảm bớt đi. Những ngư dân trên thuyền lại có được một khoảng thời gian thư thái, uống một ngụm nước, ăn những thức ăn đơn giản đem theo để chờ kéo lưới lên. Ánh mắt trông ngóng, hy vọng ngập tràn trong đôi mắt họ. Công sức bỏ ra gần đến lúc được đền bồi. Sóng càng đánh mạnh vào mạn tàu thì tiếng nói, tiếng hát càng át đi. Những khuôn mặt sạm đen nhưng lúc nào cũng vui tươi, hồ hởi.
Rồi sự chờ đợi cũng được giải đáp. Ông Tư hô một tiếng, những cánh tay khỏe mạnh lần lượt họ theo những lượt kéo. Những thân cá trắng lấp lánh đầu tiên được kéo lên khỏi mặt nước. Loài cá trích này khi mắc vào lưới thường ít vẫy vùng để thoát thân hơn cá chuồn hay những loài cá khác. Bản năng sinh tồn thì cũng như nhau nhưng có lẽ cá trích yếu hơn mà thôi. Những chú cá khi vừa lên khỏi mặt nước, còn quẫy nhẹ trong lưới, nhưng khi đã bị quăng lên tàu, nằm cùng 1 đống với đồng loại xấu số thì hầu như trở về với trạng thái im lặng. Số phận của chúng đã được an bài...
Những tấm lưới nặng trĩu đầy cá trích được kéo lên xong, tàu cũng quay mũi, nhằm hướng bờ Cửa Đại mà về. Khuôn mặt những người dân chài dường như tươi tắn, rạng rỡ hẳn ra. Ông Tư bảo mẻ cá này là một trong những mẻ cá trích bắt được nhiều nhất trong mùa này. Theo kinh nghiệm đi biển nhiều năm, ông đoán cũng được khoảng vài tạ cá. Chừng ấy, về bến, bán cho bạn hàng, đã đủ cho gia đình ông và những người cùng đi trên tàu một khoản chi tiêu vừa đủ trong 1 tuần, trước tình hình trượt giá như hiện nay.
Đường về dường như gần hơn. Chẳng mấy chốc, tàu đã về đến bến cá thôn An Lương (Duy Hải). Niềm vui được nhân lên khi những người vợ, người mẹ từ trên bờ chạy ra, chia sẻ cùng chồng con mình sau chuyến đi đánh bắt gần bờ. Và rồi, mỗi người một việc. Người thì gỡ cá trích ra khỏi lưới, người thì gọi bạn hàng đến mua cá. Lúc ấy đúng 12 giờ trưa. Những giọt mồ hôi trên trán, trên gò má của những người dân chài không làm át được tiếng nói cười vang cả bến cá của họ. Đứng nhìn thành quả lao động của những người vừa chung cuộc hành trình mà lòng tôi cũng cảm thấy vui lây.
Chia tay thôn An Lương khi cá đã được gỡ xong, người ta bắt đầu dọn dẹp thuyền. Chiều cũng dần buông xuống... Trong bến, những tàu thuyền khác cũng đang chuẩn bị rục rịch để ra khơi vào buổi tối. Nhịp sống của những dân chài nơi đây hàng ngày vẫn vậy. Riêng tôi, thầm mong thêm những mẻ cá nhiều thế này và trời yên biển lặng trong những chuyện ra khơi của những con người chân chất, thật thà nơi đây...
Xuân Vân