Tại nhiều tỉnh, thành, chỉ một ngày sau khi văn bản hướng dẫn của Bộ phát hành, các sở GD&ĐT đã gấp rút triển khai xuống cơ sở. Dù đang trong thời gian cách ly xã hội nhưng nhiều trường học cũng đã tổ chức nghiên cứu, trao đổi từ xa giữa các nhóm tổ chuyên môn để rà soát lại kế hoạch dạy học, xây dựng chuyên đề phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh.
Với nguyên tắc bảo đảm yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, hướng dẫn của Bộ đã tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh, phụ huynh trong bối cảnh nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh Covid-19.
Đông đảo giáo viên và cán bộ quản lý cho biết, nội dung dạy học điều chỉnh phù hợp với thực tiễn các cơ sở giáo dục đang đẩy mạnh dạy học từ xa qua Internet, trên truyền hình và sau dịch sẽ dạy học trực tiếp. Khối lượng kiến thức được lược bỏ không quá nhiều, chủ yếu hướng đến gộp các bài dạy cùng chủ đề, nhiều phần kiến thức học sinh tự thực hành ở nhà.
Nội dung lược bỏ được trải rộng trên tất cả các phần nên sẽ giúp giảm đáng kể khối lượng kiến thức, kỹ năng mà học sinh cần học trong phần còn lại của năm học. Với học sinh, đặc biệt cuối cấp THPT, việc không kiểm tra, đánh giá những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH ngày 1/9/2011 và các nội dung “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, “Khuyến khích học sinh tự học” theo công văn mới của Bộ, cùng việc tới đây sẽ có đề minh họa theo giảm tải, thực sự tháo gỡ nút thắt cho các em về thời gian học tập và áp lực thi cử.
Giải quyết những áp lực về nội dung và thời gian dạy học do dịch bệnh mang lại, tuy nhiên, với các cơ sở giáo dục, việc điều chỉnh nội dung học kỳ II của Bộ còn có ý nghĩa hơn thế, đó không chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Với những gợi mở như nội dung được tích hợp theo các chủ đề, phù hợp với đặc thù môn học và thực tiễn, đặc biệt chú ý theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học theo Văn bản số 4612, hướng dẫn điều chỉnh của Bộ GD&ĐT tiếp tục mở ra cơ hội cho giáo viên và nhà trường trong đổi mới, sáng tạo dạy học.
Hiệu trưởng một trường phổ thông cho biết: “Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản liên quan đến giảm tải. Gần nhất là năm 2017, với Văn bản số 4612 hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, Bộ đã cho phép các nhà trường tổ chức cho giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.
Dù được phép linh động và chủ động hơn trong việc dạy học, sắp xếp thời khóa biểu nhưng nhìn chung, nhiều trường vẫn chưa mặn mà vì theo kế hoạch thời gian năm học chung, ngày còn rộng, tháng còn dài. Nhưng hiện nay, trước sức ép về thời gian, tiến độ phải hoàn thành kế hoạch dạy học do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, và đặc biệt trước hướng dẫn chi tiết về điều chỉnh nội dung của Bộ, các trường bắt buộc “động thủ” quyết liệt hơn. Nhà trường và giáo viên buộc phải xây dựng kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, căn cứ trên năng lực của người dạy và người học. Đây cũng là lúc đội ngũ nhà giáo thể hiện khả năng thiết kế, thi công, đổi mới sáng tạo của mình”.
Áp lực tạo ra động lực, trong cái khó ló cái khôn. Như vậy, qua việc giảm tải dạy học mùa dịch bệnh Covid-19, ở một khía cạnh nào đó, khó khăn và thử thách của thực tiễn trở thành cơ hội cho toàn ngành chuyển động mạnh mẽ hơn, khẩn trương hơn trong đổi mới, thực hiện sớm những nội dung, phương pháp, mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra.