Giảm nghèo từ sản phẩm OCOP

GD&TĐ -Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập bền vững cho người dân.

Các sản phẩm OCOP góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo
Các sản phẩm OCOP góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo

Sản phẩm OCOP tạo sinh kế cho người dân

Trước đây, gia đình anh Ma Văn Trình, Xóm Na Rang, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai là một trong những hộ nghèo nhiều năm tại địa phương. Cuộc sống của gia đình anh thực sự thay đổi khi anh tham gia vào HTX Chế biến nông sản Võ Nhai. Với mức thu nhập ổn định, lại làm ngay tại địa phương nên anh có điều kiện chăm lo cho gia đình.

Anh Ma Văn Trình chia sẻ: Không chỉ riêng bản thân tôi mà hầu hết các xã viên đều có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo khi tham gia vào HTX. Đặc biệt, sau HTX có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCCP 4 sao thì khách hàng biết đến nhiều hơn, lượng sản phẩm bán ra tăng cao. Từ đó, thu nhập của cán bộ, xã viên cũng được tăng lên.

z5679202409529.jpg
HTX Nông nghiệp Võ Nhai đang tạo việc làm cho trên 50 lao động

Theo anh Lê Văn Hiếu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Võ Nhai cho biết: HTX Chế biến nông sản Võ Nhai hiện đang liên kết sản xuất với 5 Tổ hợp tác; tạo việc làm cho trên 50 lao động và bao tiêu nguyên liệu cho trên 100 hộ dân địa phương khu vực 3 xã vùng sâu của huyện Võ Nhai là Vũ Chấn, Nghinh Tường và Sảng Mộc. Chúng tôi cũng cảm thấy rất tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Không chỉ riêng huyện Võ Nhai, câu chuyện về các miền quê “thay da đổi thịt” nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đơn cử như tại HTX Nông sản Phú Lương (xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Anh Tống Văn Viện, giám đốc HTX cho biết: “Với mong muốn xây dựng những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của quê hương, năm 2020 anh thành lập HTX Nông sản Phú Lương và từng bước quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm chè tại địa phương.

Hiện nay, tổng số thành viên của HTX là 7 người và số lao động tham gia sản xuất chế biến chè là 50 người (cả lao động thường xuyên và lao động thời vụ) với thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng”.

Chị Đào Thị Thu, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương chia sẻ: Khi thực hiện Chương trình OCOP, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất thủ công truyền thống sang làm chè an toàn, áp dụng khoa học công nghệ. Từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm. Hiện giá bán các sản phẩm chè tăng từ 30%-50%, giúp các xã viên của HTX Nông nghiệp Phú Lương có cuộc sống ổn định, khá giả.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ khẳng định: “Các sản phẩm OCOP đang là “chìa khóa giảm nghèo” tại địa phương. Văn Hán là địa phương có diện tích chè lớn nhất của huyện Đồng Hỷ. Với việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã giúp giá bán các sản phẩm chè của địa phương tăng từ 50%-70%. Do đó, người dân có thể “sống khỏe” và làm giàu nhờ cây chè”

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã thể hiện được sự phù hợp về định hướng, chính sách để phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 240 sản phẩm, (trong đó có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao).

Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Nhiều sản phẩm được thiết kế với mẫu mã đẹp mắt, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa. Các sản phẩm đã ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị, uy tín trên thị trường…

z5679200336429.jpg
Sản phẩm OCOP được thiết kế với mẫu mã đẹp mắt, tinh xảo, độc đáo

Ông Lê Chí Thành, Trưởng phòng nghiệp vụ, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Từ việc triển khai chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống.

Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của từng vùng, từng địa phương.

Sản phẩm OCOP đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp yêu cầu của thị trường.

Từ đó, gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Góp phần nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Yến sào LifeNest