Cử tri hỏi:
Việc phân luồng học sinh sau khi hoàn thành chương trình Trung học cơ sở hiện nay còn nhiều hạn chế, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác dạy nghề và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bộ trưởng có trách nhiệm và giải pháp gì để khắc phục hạn chế nêu trên?
Bộ trưởng trả lời:
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng phân luồng là công việc phức tạp, không thể giải quyết bằng các mệnh lệnh hành chính mà phải có giải pháp hệ thống tạo ra con đường phát triển thuận lợi cho học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp.
Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) là nhiệm vụ chiến lược được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu.
Hiện tại, hệ trung cấp chuyên nghiệp mỗi năm chỉ tuyển được từ 25 đến 28 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS vào học theo chương trình 3 năm.
Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số công việc sau:
- Chỉ đạo các địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội để đẩy mạnh công tác phân luồng bằng những việc làm cụ thể, như: vận động Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tuyên truyền để đưa học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết riêng về phổ cập trung học, là điều kiện quan trọng để triển khai phân luồng;
- Chỉ đạo các địa phương triển khai Công nghệ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, thiết kế các khóa đào tạo kỹ năng cho học sinh bỏ học, học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không theo học các chương trình trung cấp nghề hay TCCN;
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan truyền thông tổ chức các hội thảo về công tác phân luồng nhằm tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh công tác này;
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các Trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề thí điểm kết hợp dạy văn hóa và dạy nghề, để sau 3 - 4 năm học sinh có thể nhận bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề;
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo TCCN đổi mới nội dung đào tạo theo định hướng tiếp cận năng lực; Sắp xếp lại nội dung chương trình, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng ngay từ đầu khóa học để hạn chế tình trạng thôi học.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện phân luồng đang gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân sau:
- Tâm lý xã hội chạy theo bằng cấp, thể hiện trong cả tuyển dụng (rất nhiều doanh nghiệp đăng thông tin tuyển lao động đều phải tốt nghiệp trung học phổ thông) và đề bạt người lao động.
- Chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông làm chưa tốt do thiếu tài chính và đội ngũ giáo viên được đào tạo về hướng nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm phối hợp với nhà trường để thực hiện việc này.
- Cơ hội việc làm cho những học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề hay TCCN còn khá hạn chế.
- Sức hấp dẫn của các chương trình đào tạo nghề còn yếu, chưa gắn với năng lực hành nghề. Trang thiết bị các trường đào tạo nghề thiếu đồng bộ. Đội ngũ giáo viên đào tạo nghề thiếu kinh nghiệm thực tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng phân luồng là công việc phức tạp, không thể giải quyết bằng các mệnh lệnh hành chính mà phải có giải pháp hệ thống tạo ra con đường phát triển thuận lợi cho học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng, ngoài trách nhiệm chính của ngành giáo dục và đào tạo và ngành lao động, thương binh và xã hội, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự thay đổi nhận thức và vào cuộc của học sinh và gia đình.
Đầu tháng 6/2014, hai Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Lao động-Thương binh và Xã hội đã có cuộc làm việc để bàn và thống nhất các nội dung phối hợp để đẩy mạnh thực hiện phân luồng.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện một số công việc sau:
- Tăng cường tuyên truyền; Mở diễn đàn trên Báo Giáo dục và Thời đại về công tác phân luồng học sinh sau THCS để cả xã hội tham gia đóng góp đẩy mạnh công tác này;
- Chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tham gia dạy các kỹ năng nghề nghiệp trong các trường phổ thông, giúp học sinh sớm làm quen với môi trường giáo dục nghề nghiệp để tạo ham muốn và lòng tin ban đầu, đồng thời phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực có sẵn ở các trường chuyên nghiệp;
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện tập trung huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo.
- Triển khai nghiên cứu cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để hoàn thiện cơ chế phân luồng và liên thông trong hệ thống.
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị quốc gia để bàn về các giải pháp đẩy mạnh phân luồng.
- Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề và việc làm gắn với phân luồng học sinh hoặc lồng ghép công tác phân luồng vào chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề hiện nay.