Giải mã bí ẩn “quan tài” cây hơn 2.000 năm tuổi ở Hưng Yên

Người phục dựng văn hóa và con người từ thời Đông Sơn đã có những chia sẻ về sự nguyên vẹn của mộ thân cây hơn 2.000 năm tuổi.

Gỗ để làm quan tài thời kỳ Đông Sơn đa phần là gỗ lim.
Gỗ để làm quan tài thời kỳ Đông Sơn đa phần là gỗ lim.

Tiếc nuối vì ý tưởng bảo tàng ngoài trời thất bại

Do chưa nghiên cứu chuyên sâu nên những lý giải về nguồn gốc của nghĩa địa mộ thân cây ở Động Xá (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên) của ông Bùi Đăng Quy – Giám đốc Bảo tàng Hưng Yên chỉ mang tính giả thuyết.

giai ma bi an "quan tai" cay hon 2.000 nam tuoi o hung yen hinh anh 1

Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Thấy chúng tôi chưa thỏa mãn, ông Quy đã giới thiệu cho chúng tôi Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Qua lời kể của ông Quy thì ông Việt là một người nghiên cứu chuyên sâu và bỏ nhiều công sức để phục dựng lại đời sống văn hóa cũng như khuôn mặt của người Việt cổ thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Phải mất nhiều ngày chúng tôi mới hẹn gặp được ông Việt khi ông về Hà Nội dự một đại hội của ngành khảo cổ. Ông cho biết, hiện ông đang xây dựng một bảo tàng rộng 12.000m2 ở trên huyện Kim Bôi (Hòa Bình) nên công việc rất bận.

Ngoài ra, ông cũng đang sở hữu một bảo tàng khác rộng khoảng 700m2 ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Bảo tàng này đang lưu giữ nhiều đồ vật cổ quý giá qua các thời kỳ phát triển của người Việt, trong đó có thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây 2.000-2.500 năm.

Nói về nghĩa địa mộ thân cây ở Động Xá, ông Việt chia sẻ, đây là nơi mà ông dành khá nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu. Năm 2002, ông cùng các chuyên gia khảo cổ Úc đã về đây dùng máy điện từ để rà soát và vẽ ra được cả một bản đồ về một ngôi làng của người Việt thời kỳ Đông Sơn.

giai ma bi an "quan tai" cay hon 2.000 nam tuoi o hung yen hinh anh 2

Những chiếc thân cây trải qua hơn 2.000 năm vẫn còn khá nguyên vẹn do điều kiện bảo quản tốt.

Năm 2004, ông Việt tiếp tục đề xuất với chính quyền tỉnh Hưng Yên cho khảo sát và phục dựng nghĩa địa mộ thân cây ở Động Xá, mọi kinh phí sẽ do ông Việt chịu hoàn toàn. Thế nhưng, đề xuất của ông Việt chưa được chấp thuận.

“Nếu được cho phép, tôi sẽ khai quật và phục dựng tại chỗ khu Động Xá thành một bảo tàng ngoài trời sẽ rất tuyệt vời. Nơi người dân đào được nhiều mộ thân cây đó chính là nghĩa địa của người xưa. Ở đó, không chỉ có nghĩa địa mà còn có cả một ngôi làng, một tụ cư sinh sống từ thời văn hóa Đông Sơn”, ông Việt chia sẻ.

Ông Việt cho biết thêm, hiện tại, ông ghi nhận đã có khoảng 80 ngôi mộ thân cây phát lộ khi người dân cải tạo sông Tính Linh, còn người dân Động Xá cũng đã nhiều lần đào trúng loại mộ này nhưng không báo cáo nên việc ghi chép không cụ thể.

Những chiếc quan tài bằng thân cây ở Động Xá sau khi được phát hiện, ông Việt đã lấy một số mẫu gửi sang viện nghiên cứu gỗ ở Đức. Các chuyên gia nước ngoài kết luận, những mẫu gỗ đó đa phần là gỗ lim.

Thổ nhưỡng tuyệt vời cho việc bảo quản mộ

Theo Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, khoảng 4.000 – 6.000 năm trước, cả miền Bắc chịu sự xâm lấn của biển. Vì vậy, hầu hết các địa phương ở miền Bắc hiện tại đều chìm ngập trong nước biển. 

Khi ấy, những lớp sú, vẹt mọc thành rừng bao phủ khắp nơi. Cách đây 3.500 năm, nước biển bắt đầu rút để lại một tầng phù sa cực lớn phủ lên các lớp sú, vẹt. Các loài cây này bị chôn vùi xuống lòng đất đã tạo ra một lớp khí mê tan đậm đặc, yếm khí tiêu diệt các loại vi khuẩn, đặc biệt là các loài vi khuẩn ăn xương, gỗ.

Hơn nữa, dưới lòng đất cũng vốn là đáy biển bị nhiễm mặn nặng, thêm vào đó lượng lưu huỳnh cao, độ PH thấp đã biến lòng đất thành môi trường tự nhiên cực tốt để bảo quản các ngôi mộ.

“Lớp bùn đất cực tốt, không có vi khuẩn nên bảo quản được mọi thứ. Không chỉ các ngôi mộ còn khá nguyên vẹn, chúng tôi còn đào được nhiều cây tre, gỗ, lứa, hạt, quả… từ thời Đông Sơn vẫn còn khá nguyên vẹn”, ông Việt chia sẻ.

Ngoài việc thổ nhưỡng tốt giúp các quan tài còn nguyên vẹn, ông Việt còn khẳng định, kỹ thuật ướp xác của tổ tiên người Việt đã đạt tới đỉnh cao như xác ướp trong các ngôi mộ Ai Cập.

“Xác chết trong một số ngôi mộ được bao bọc trong những lớp vải dày, ít thì khoảng 8 lớp, nhiều nhất là 24 lớp. Mỗi một lớp vải quấn lại được phết một lớp hồ keo có khả năng được làm từ gạo nếp trộn vôi. Hơn nữa, cứ khoảng 6 lớp vải thì lại có một lớp cói xen ở giữa.

Những xác ướp dạng này không nhiều, điều đó chứng tỏ đây là những người có địa vị quan trọng hoặc những gia đình có điều kiện trong xã hội xưa”, ông Việt nhận định.

Việc phát hiện những ngôi mộ thân cây ở Động Xá theo ông Việt, đây là điều rất may mắn đối với giới khảo cổ Việt Nam, giúp cho những người làm nghiên cứu có một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của tổ tiên người Việt.

Thế nhưng, trong khi điều kiện vẫn chưa cho phép thì việc khai quật ồ ạt là không nên. Nếu không bảo quản được thì để chúng dưới lòng đất sẽ tốt hơn.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ