Giải bài toán môi trường bằng nhà gỗ

GD&TĐ - Các kiến trúc sư đang chuyển sang sử dụng một trong những loại vật liệu xây dựng cổ đại nhất để giải quyết một vấn đề: Làm thế nào để xây nhà mà không gây hại tới môi trường?

Giải bài toán môi trường bằng nhà gỗ

Một công ty tại London cho biết xây dựng bằng gỗ bền vững có thể giúp thành phố giải quyết tình trạng thiếu nhà, đồng thời giảm phát thải khí carbon.

Andrew Waugh, đối tác sáng lập tại Waugh Thistleton cho biết: “Nếu bạn nhìn vào lượng khí thải phát ra của tòa nhà trong khoảng 14 năm đổ lại, thì tầm 80% là từ vật liệu xây dựng của nó. Chúng ta cần thay đổi cách chúng ta sống để đối phó với thay đổi khí hậu”.

“Các tòa nhà chịu trách nhiệm cho khoảng 45% lượng khí carbon thải ra tại Anh, song có rất ít sự chú ý tới vai trò hay hậu quả từ các vật liệu xây dựng” - ông Waugh tiết lộ.

Waugh Thistleton vừa xây dựng xong một cấu trúc 10 tầng, rộng 17.000 m2 hoàn toàn bằng gỗ ở phía Đông London. Họ dự định nó là công trình lớn nhất thế giới làm bằng gỗ ép tấm lớn CLT.

Vật liệu này được làm bằng cách ép chặt các tấm gỗ bằng keo dính mạnh và một máy thủy lực cực khỏe. Các kiến trúc sư đồng thời khẳng định rằng nó không mang tới nguy cơ hỏa hoạn. Waugh so sánh vật liệu này với xi măng và thép: “Có thể cảm nhận được sức mạnh độc đáo của vật liệu này qua các lớp gỗ ngang được chồng lên”.

Công ty của ông đã xây dựng tòa tháp bằng gỗ đầu tiên tại London vào năm 2008, chứng minh rằng, gỗ có thể được sử dụng để xây dựng nhiều hơn chứ không chỉ những ngôi nhà nhỏ hay phòng học tiểu học.

Gỗ mang tính thân thiện môi trường hơn là xi măng và thép, việc sản xuất ra xi măng và thép tạo nên một lượng lớn khí nhà kính cũng như tiêu thụ nhiều nước và cát. Mặt khác, cây là một nguồn tài nguyên tái tạo và thay thế CO2 trong khí quyển thành khí oxy. Công ty của Waugh khai thác gỗ từ các khu rừng được quản lý bền vững tại Áo. Các tấm mà họ sử dụng tương đối nhẹ so với thép và bê tông, tức nguyên liệu để vận chuyển chúng tới các địa điểm xây dựng cũng tốn ít hơn.

Lợi thế về trọng lượng này cũng có nghĩa có thể xây thêm nhiều tầng hơn trên 1 mảnh đất, cung cấp thêm nhiều không gian sống hơn trong những khu vực đông dân tại London. Các tòa nhà gỗ có tường và sàn mỏng hơn so với nhà bê tông, nên không gian sống cũng trở nên rộng hơn. Mật độ của các tấm gỗ cũng có tác dụng giữ nhiệt, qua đó tiết kiệm năng lượng hơn.

Theo Stora Enso, một nhà sản xuất vật liệu tái tạo, mặc dù sử dụng gỗ để xây nhà cao tầng có thể dấy lên các nguy cơ hỏa hoạn, một vấn đề đặc biệt đáng lo ngại tại London sau vụ cháy tháp Grenfell Tower nhưng gỗ CLT hoàn toàn an toàn với tính chống cháy. Gỗ CLT khi cháy trở thành than thay vì tan ra, tức là có thể giữ kết cấu nguyên vẹn lâu hơn so với một số vật liệu khác như thép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ