Vì sao cha mẹ không nên khen ngoại hình, “tâng bốc” phẩm chất của trẻ?

GD&TĐ - Nhiều ông bố, bà mẹ thường xuyên bày tỏ với con rằng, ngoại hình của trẻ thật đẹp và đáng yêu. Tuy nhiên, khi quá tập trung vào ngoại hình, những lời khen có thể phản tác dụng.

Cha mẹ nên khen ngợi những nỗ lực của con.
Cha mẹ nên khen ngợi những nỗ lực của con.

Nhà tâm lý học Nicole Beurkens (Mỹ) cho biết: “Được khen ngợi về ngoại hình khiến trẻ tin rằng, những gì người khác nghĩ về chúng là cố định. Điều này nghĩa là bất kể việc gì trẻ làm cũng sẽ không thay đổi cách nhìn của mọi người về chúng”.

Theo bà Beurkens, khi khen trẻ về những phẩm chất và đặc điểm không dựa trên ngoại hình, con sẽ phát triển ý thức mình là ai. Nhờ đó, giúp trẻ hiểu rằng, cách giao tiếp với người khác, các kỹ năng, hành vi con thể hiện đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng trải qua giai đoạn khó xử trong những năm tháng tuổi thành niên. Phụ huynh có thể hiểu rằng, ở tuổi thiếu niên, một đứa trẻ cảm thấy mình kém hấp dẫn hơn so với khi còn nhỏ. Cảm giác này có thể trở thành “rào cản”, nếu giá trị bản thân của trẻ luôn bị ràng buộc bởi vẻ ngoài.

“Khi bạn tập trung vào diện mạo của con, điều đó sẽ nói lên điều gì nếu trẻ từng gặp tai nạn biến dạng hoặc có mụn trứng cá khi bước vào tuổi thiếu niên?”, bà Laurie Turner – một phụ huynh tại Mỹ cho biết.

Vì vậy, bà Turner thường tập trung vào việc đưa ra lời khen đối với những gì con đã làm. Khi chúng ta khen trẻ về những phẩm chất và đặc điểm không dựa trên vẻ ngoài, con sẽ hiểu rằng, thế mạnh của mình không chỉ nằm ở đó.

Bên cạnh đó, ngoại hình gần như là yếu tố trẻ “khó lòng” tự kiểm soát. Bởi vậy, những lời khen ngợi về vẻ bề ngoài đôi khi có thể gây bối rối. Huấn luyện viên nuôi dạy con người Mỹ - bà Sarah Hamaker cho biết, những đứa trẻ được khen ngợi về điều chúng không làm có thể bối rối khi đưa ra phản hồi.

“Con gái lớn của tôi có mái tóc rất dài. Con bé thường nhận được những lời khen ngợi về độ dài của mái tóc. Con gái tôi nói cảm ơn, nhưng thường hỏi tôi về lý do mọi người khen mái tóc”, bà Hamaker cho biết.

Dưới đây là những cách để khen con về một điều gì đó ngoài ngoại hình:

“Con đã làm việc thực sự chăm chỉ!”

Amira Freidson - người sáng lập tổ chức giáo dục trẻ em Namaste Kid, chia sẻ: “Gợi ý của tôi về việc khen ngợi trẻ em là nói về những nỗ lực”.

Theo chuyên gia này, cha mẹ cần chú trọng tới những nỗ lực của trẻ. Bởi, điều đó giúp trẻ tập trung vào quá trình, thay vì chỉ kết quả cuối cùng. Đôi khi, không phải kết quả luôn theo ý con muốn.

“Cha/mẹ đánh giá cao sự kiên nhẫn của con”

Theo bà Hamaker, việc tập trung vào những đặc điểm tính cách của một đứa trẻ sẽ tốt hơn nhiều so với những đặc điểm bên ngoài. Điều đó có thể khuyến khích một đứa trẻ trau dồi những đặc điểm tích cực đó.

“Điều này cho phép cha mẹ hoặc giáo viên nhấn mạnh những thứ trẻ có quyền kiểm soát, hơn là yếu tố con không thể, như: Màu mắt, tóc, màu da...”, nữ chuyên gia gợi ý.

“Cha/mẹ đã chứng kiến biểu hiện tốt của con”

Đôi khi, phụ huynh có thể dành thời gian quan sát để đưa ra lời khen cho trẻ. Hành động này sẽ giúp trẻ suy ngẫm về những gì chúng đã làm. Từ đó, con sẽ nhận ra những nỗ lực và thành công của mình.

Nhà trị liệu gia đình Bette Levy Alkazian, nhận định: “Nếu phụ huynh chỉ quan sát mà không có bất kỳ lời khích lệ nào, sau đó, bọn trẻ sẽ tự khen mình”.

Trẻ sẽ nhận ra giá trị bản thân nhờ lời khen.

Trẻ sẽ nhận ra giá trị bản thân nhờ lời khen. 

“Con đã an ủi bạn”

Bà Beurkens nhấn mạnh, phụ huynh hãy nói cụ thể khi khen trẻ để chúng hiểu suy nghĩ, phẩm chất hoặc hành động nào có liên quan đến những câu khích lệ đó. Ví dụ, chia sẻ với con về hành động quan tâm của chúng sẽ hiệu quả hơn thay vì nói: “Con là một người bạn tốt”.

“Sử dụng những lời khen cụ thể như vậy giúp trẻ cảm thấy mình có những phẩm chất tích cực mà người khác chú ý và ngưỡng mộ. Đồng thời, khuyến khích chúng cố gắng sử dụng những kỹ năng và phẩm chất này thường xuyên hơn. Đó là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để giúp trẻ cảm thấy tự tin và kiên cường hơn”, bà Beurkens chia sẻ.

“Con đã kết hợp trang phục rất tuyệt”

Nếu khen ngoại hình của con, cha mẹ hãy nói về điều chúng đã làm. Cụ thể, phụ huynh có thể khen cách con chọn trang phục, kiểu tóc trẻ tự làm.

“Nếu chúng ta muốn nói cụ thể về ngoại hình, hãy chia sẻ về nỗ lực mà đứa trẻ đã bỏ ra để đạt được điều đó”, Barbara Harvey – một chuyên gia về thời thơ ấu cho biết.

“Con đã luyện tập rất chăm chỉ”

Cho dù con có tố chất về thể thao, âm nhạc hay lĩnh vực nào khác, cha mẹ vẫn có thể khen ngợi nỗ lực của trẻ trong việc học những môn khác.

“Nếu con có tài năng thiên bẩm, điều đó thật tuyệt. Song, điều đó không dạy nhiều cho con về sự chăm chỉ và vượt qua trở ngại. Mọi thứ trong cuộc sống sẽ không đến với con dễ dàng như khả năng đặc biệt đó. Cha mẹ sẽ muốn chuẩn bị cho con những thách thức mà trẻ chắc chắn phải đối mặt”, nhà trị liệu tâm lý Jill Whitney chia sẻ.

Vì vậy, những lời khen hữu ích nhất là về quá trình và nỗ lực – yếu tố con có thể kiểm soát. Ví dụ, dù con không giỏi thể thao hoặc một môn học nào đó, phụ huynh cũng có thể khen ngợi sự kiên trì và tiến bộ của trẻ.

“Cha/mẹ rất vui khi con tốt với anh trai”

Nhà trị liệu Kimberly Hershenson cho biết: “Hãy chỉ ra những khía cạnh tích cực trong hành vi, tài năng, lòng tốt và tính cách của con hằng ngày. Chỉ ra rằng, cha mẹ thích một hành vi của con. Điều đó sẽ mang lại cho chúng suy nghĩ tích cực và củng cố những hành vi đó”.

“Cha/mẹ biết ơn con”

Mọi đứa trẻ đều thích nghe câu nói: “Mẹ yêu con”. Tuy nhiên, có nhiều cách khác để thể hiện ý nghĩa của trẻ trong lòng cha mẹ. Theo chuyên gia Hershenson, bên cạnh việc nói yêu, bày tỏ lòng biết ơn cũng là hành động vô cùng quan trọng. Bởi, điều đó cho thấy, cha mẹ biết ơn sự tồn tại của con. Đồng thời, thể hiện sự đánh giá cao đối với trẻ.

Theo Huffington post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...