Vẫn nặng tư tưởng “nối dõi tông đường”

Ngày 17/10, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ), Bộ Y tế, phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam khởi động chiến dịch truyền thông “không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”. Đây là hoạt động nhân Ngày Thế giới trẻ em gái (11/10).

Vẫn nặng tư tưởng “nối dõi tông đường”

Tương lai sẽ thiếu phụ nữ

Theo báo cáo của Tổng cục DS - KHHGĐ, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức cao với tỷ số 110 trẻ em nam/100 trẻ em nữ. 

Trong khi đó, tỷ số này cần đạt ở mức 105 - 106 trẻ em nam/100 trẻ em nữ mới tạo nên sự cân bằng giữa nam và nữ sau này (trẻ em nam thường dễ bị tử vong trước 5 tuổi hơn trẻ em nữ nên cần nhiều trẻ em nam hơn). 

Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Việt Nam dư khoảng 50.000 - 100.000 trẻ em nam. Như vậy, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu “cô dâu” - đồng nghĩa với việc khoảng chừng đó đàn ông không tìm được bạn tình.

Ông Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ) phân tích, khi thiếu phụ nữ sẽ xảy ra tình trạng tranh giành, ngã giá phụ nữ. 

Như vậy, phụ nữ sẽ có nguy cơ trở thành hàng hóa với giá trị cao nên dễ bị bắt cóc, buôn bán, tống tiền hoặc bị chính gia đình mình lợi dụng để lựa chọn các cuộc gả bán có lợi ích kinh tế, bất chấp việc con gái mình có hạnh phúc hay không. Ngoài ra, do thiếu bạn tình, nam giới cũng bị ức chế sinh lý, tâm lý, dễ phạm tội cưỡng bức, hiếp dâm.

Tình trạng MCBGTKS ở Trung Quốc, Ấn Độ hiện nay là một bài học xương máu cho Việt Nam. Do tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh, sinh ít con, hiện nay Trung Quốc đang thiếu gần 70 triệu cô dâu còn Ấn Độ thiếu 42 triệu. 

Tại Trung Quốc, không ít gia đình nông dân nghèo phải mua cô dâu để 2-3 bố con cùng “dùng” chung. Phụ nữ Ấn Độ sống nơm nớp vì sợ hãi vì hàng loạt các vụ cưỡng bức tập thể, bắt cóc, bị buôn bán, giết hại…

Nặng chuyện “thờ cúng”

Tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam đã “giảm nhiệt” từ 113,8 trẻ trai/100 trẻ gái (2013) xuống còn 112,2 vào năm 2014. Đáng nói, nếu như ở các nước MCBGTKS, tỷ số giới tính khi sinh cao ở những lần sinh thứ 2, thứ 3, thì ở Việt Nam, tỷ số này cao ngay từ lần sinh đầu tiên. 

Kết quả Điều tra biến động DS-KHHGĐ năm 2011 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tất cả các lần sinh, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đều ở mức cao và đều mất cân bằng. Lần sinh thứ nhất: 109,7/100; lần thứ hai: 111,9/100 và lần thứ 3 trở lên rất cao: 119,7/100. 

“Điều này cho thấy, khát vọng sinh con trai của nhiều người rất mãnh liệt. Họ “quyết chí” sinh được con trai ngay từ lần sinh thứ nhất cho “chắc ăn” – Ông Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ, người dân Việt Nam vẫn còn nặng tư tưởng “nối dõi tông đường” nên muốn sinh con trai để giữ trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nếu không sinh được con trai thì không có người “truyền đời”. 

Đồng thời, do chế độ an sinh của nước ta còn chưa đảm bảo, hơn 70% dân số là nông dân, không có lương hưu, nên họ rất lo lắng khi mất sức lao động sẽ không tự chăm sóc được bản thân, chỉ có thể dựa vào con trai – người có “trách nhiệm” sống cùng và nuôi dưỡng cha mẹ.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ