Nhà dột chỉ vì… “bệnh lười”

GD&TĐ - Theo nhiều chuyên gia tâm lý, những “ông bố lười” tạo lên hình ảnh xấu với con cái và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân.

Chồng lười dẫn đến sự xa cách, không hiểu nhau và thường xuyên cãi vã. Ảnh minh họa.
Chồng lười dẫn đến sự xa cách, không hiểu nhau và thường xuyên cãi vã. Ảnh minh họa.

Bố lười khiến con tiêu cực

Càng ngày, cộng đồng mạng càng có nhiều câu chuyện hài hước về những bài văn tả ông bố. Nhiều câu nói ngây ngô trong sáng đã miêu tả chân thực nhất về những “ông bố lười”.

Rất nhiều đứa trẻ kể rằng, ở nhà, mẹ luôn là người bận rộn nhất khi vẫn phải cơm nước, lo lắng bài vở cho con. Mẹ còn phải nấu nướng, giặt giũ, đối nội đối ngoại và đi làm kiếm tiền. Về phần bố thì lười biếng ngồi trên ghế sofa xem tivi, chơi điện thoại và ngủ.

Những hình ảnh của một ông bố bận rộn với thiết bị điện tử, ít quan tâm tới con cái, ít chia sẻ việc nhà sẽ ảnh hưởng lớn tới con trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Lan Anh, những ông bố có lợi thế trong việc trau dồi nhận thức về quy tắc, giới tính, tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm, sự kiên trì…cho con cái. Sự vắng mặt của người cha có thể khiến trẻ lạc lối trong quá trình trưởng thành. Từ đó, con trai có thể thiếu nam tính và con gái không biết cách hòa hợp với người khác giới. Những đứa trẻ luôn có bố đồng hành cũng sẽ có trí tuệ cảm xúc và óc sáng tạo cao hơn những đứa trẻ nhận sự thờ ơ của bố.

Chuyên gia Lê Lan Anh cũng cho rằng, đứa trẻ nào cũng cần sự yêu thương, quan tâm của cả bố và mẹ. Nếu sống trong một gia đình, việc vun đắp, thể hiện tình cảm mỗi ngày là rất cần thiết. Nếu bố đã bận rộn cả ngày với việc ở cơ quan thì về nhà hãy dành thời gian cho con trẻ nhiều hơn.

Ngoài ra, hình ảnh người bố không chịu động tay vào việc nhà sẽ là tấm gương xấu cho con. Nhiều đứa trẻ lớn lên cũng sẽ ỷ lại, học theo bố hoặc bực dọc vì có người bố lười. Đôi lúc, chúng sẽ có cảm xúc tiêu cực mang theo cả khi trưởng thành. Thậm chí, có những bé gái còn căm ghét vì cho rằng việc bố lười nghĩa là không yêu quý, tôn trọng gia đình.

Chưa kể đến, một người bố luôn lấy công việc bận rộn làm cái cớ để “trốn” việc gia đình và chăm sóc con cái sẽ “sinh ra” một người vợ luôn lo lắng và tiêu cực. Người mẹ vô thức sẽ truyền năng lượng xấu tới trẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính cách cũng như việc học hành của trẻ sau này. Thậm chí khiến con cái xa lánh bố mẹ.

“Những ông bố có suy nghĩ đàn ông chỉ cần đi kiếm tiền về cho vợ con là đủ nên thay đổi. Cuộc sống của một gia đình đúng nghĩa chỉ khi họ dành cho nhau tình yêu thương, sự sẻ chia và quan tâm nhau. Điều này còn cần thiết hơn cả việc kiếm thật nhiều tiền. Cùng nhau gánh vác công việc lớn nhỏ sẽ khiến bố mẹ hạnh phúc và con cái vui vẻ hơn” – bà Lê Lan Anh nhấn mạnh.

Gia tăng cãi vã vì chồng lười

Với vai trò làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và giữ ổn định cho gia đình. Cuộc sống hiện đại ngày nay đã khác xưa. Phụ nữ không còn bị bó buộc chỉ ở nhà làm nội trợ nữa mà họ có quyền được lựa chọn làm công việc mình yêu thích.

Cân bằng giữa việc công sở và việc chăm lo cho gia đình của chị em phụ nữ là chủ đề chưa bao giờ cũ. Hầu hết, chị em đều cố gắng hoàn thành hết mọi công việc hằng ngày của mình bằng cách ôm đồm tất cả mọi thứ và cho rằng mình có thể làm được tất cả.

Trên thực tế, dù có giỏi đến mấy, khó có người vợ nào chu toàn được tất cả “việc nước, việc nhà”. Vì vậy, khi có một người chồng lười, tỉ lệ cãi vã và mệt mỏi dẫn đến ly hôn khá cao.

Thạc sĩ Lê Minh Thư - Chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân cho biết, ngay cả trong các hộ gia đình không có con, những người vợ đảm nhiệm công việc nhà để chồng cống hiến hết mình cho công việc cũng khó chịu đựng được lâu. Nhiều người nhận ra rằng, trong khi họ là người lao động bận rộn nhất trong nhà thì ngược lại, chẳng ai quan tâm đến điều đó.

Chưa kể đến, việc vợ động tay vào mọi thứ càng khiến những ông chồng ỷ lại và lười biếng hơn. Đối với những gia đình có con nhỏ thì rất dễ trở thành cuộc chiến.

“Rất nhiều cặp đôi đã ly hôn với lý do không hợp nhau. Thế nhưng, khi được hỏi cụ thể về việc không hợp đó, bất ngờ khi nguyên nhân chính là chồng lười.

Theo nhiều người vợ, chồng lười việc nhà thường lười cả việc dành tình cảm quan tâm cho vợ, dẫn đến không hiểu nhau. Ở một số trường hợp, đàn ông coi việc chăm lo gia đình, chăm sóc con cái đương nhiên là của vợ. Vì vậy, khi phải ôm đồm công việc đã vất vả, phụ nữ còn không nhận được yêu thương sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cáu gắt, bực tức vô cớ dẫn đến cãi vã” – nữ thạc sĩ chia sẻ.

Theo chuyên gia, việc nói thẳng thắn với chồng về tính lười biếng có thể khiến người đàn ông giận dữ, nhưng đó là cần thiết. Nên liệt kê rõ những vấn đề anh ấy đang tái diễn, thể hiện sự lười biếng. Đồng thời, người vợ cần cố gắng truyền đạt những thất vọng và mong đợi của bạn. Nên nói rõ ràng cho anh ấy biết bạn muốn anh ấy làm gì.

“Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi, không nên tỏ ra quá gay gắt, thể hiện như bạn đang cằn nhằn hoặc mỉa mai...” – Thạc sĩ Lê Minh Thư nhấn mạnh; đồng thời khuyên rằng, trong cuộc trò chuyện, bạn nên tập trung vào việc phân chia nhiệm vụ cho rõ ràng, cụ thể. Bạn có thể ngồi lại với chồng vào cuối tuần để thảo luận về những việc cần làm trong tuần tới và phân chia nhiệm vụ, với sự góp ý của chồng.

“Chị em hãy nên nhớ, cùng một công việc, chồng bạn có thể không làm mọi việc theo cách của bạn. Anh ấy có thể cố gắng thực hiện công việc theo cách sáng tạo hơn. Vì vậy, đừng ép buộc hoặc cố gắng bắt anh ấy làm theo đúng ý bạn mới vừa lòng. Hãy vui vẻ đón nhận kết quả thay vì cầu toàn, soi xét quá trình làm việc của chồng” – Thạc sĩ Lê Minh Thư nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ