Bí quyết nào giúp con trở nên vượt trội?

GD&TĐ - Không ít cha mẹ lo lắng vì trẻ tiếp thu chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên thay vì cảm thấy xấu hổ, thất vọng, quát mắng trẻ, điều mà cha mẹ cần làm đó là kiên nhẫn, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của trẻ, giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mình.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Mỗi trẻ em đều có điểm mạnh và điểm yếu

Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của cha mẹ và các nhà làm giáo dục là tìm hiểu xem một đứa trẻ tiếp thu chậm hơn những đứa trẻ khác là vì khả năng chúng không thể theo kịp hay là vì bản thân chúng không hề hào hứng với việc học.

Chia sẻ về điều này, ThS Hà Thị Minh Chính, giảng viên Tâm lí giáo dục Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết: Không phải đứa trẻ nào khi đến tuổi đi học cũng có thể bắt nhịp với việc truyền thụ tri thức của thầy cô, cũng như ý thức được vai trò, nhiệm vụ của việc học tập.

Có những trẻ tiếp thu rất chậm, có những trẻ tiếp thu rất nhanh. Cũng không phải mọi đứa trẻ cùng giỏi ở một lĩnh vực. Có trẻ mạnh về môn Tiếng Việt, trong khi các trẻ khác lại giỏi môn Toán với các con số, có trẻ lại được đánh giá có khả năng đặc biệt ở các bộ môn năng khiếu như nhạc, họa và các môn vận động.

Tuy nhiên, với những trẻ bị đánh giá là tiếp thu kiến thức chậm hơn so với bạn cùng tuổi thường có các biểu hiện về cảm xúc tiêu cực như “e ngại”.

Ở lớp, trẻ không tập trung nghe giảng, hay mất trật tự trong giờ học, không hào hứng chia sẻ việc học tập với bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Ở nhà, cha mẹ yêu cầu làm bài, học bài thì trẻ ngồi vò đầu, bức tóc hàng giờ, loay hoay đủ kiểu nhưng vẫn không làm xong bài tập về nhà, hoặc trẻ sẽ viện lý do như “Thầy cô không giao bài về nhà” hay “Em để quên vở bài tập ở nhà”… để ứng phó thoái thác việc học.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, có con học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Việt Hưng (Hà Nội) cho biết: “Cứ mỗi khi đến giờ làm bài tập là con thỏa thuận với mẹ con chỉ làm 2 bài tập toán thôi, hoặc con chỉ viết bài chính tả thôi. Đi học về là con kêu mệt, con nói con làm hết bài tập ở lớp rồi. Nếu bảo con đi vào học bài thì con đi lại loanh quanh hết uống nước lại tìm sách; con không tập trung vào việc học”.

Không lấy đứa trẻ này làm thước đo cho những đứa trẻ khác

Nhiều cha mẹ thấy con học kém khi không đạt điểm số cao thường so sánh con mình với con người khác. Và những đứa trẻ này thường bị gắn mắc là tiếp thu chậm.

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, tuyệt đối không có người kém cỏi, chẳng qua họ chưa bộc lộ hết khả năng riêng và chưa phát triển đúng hướng mà thôi.

Tạo hứng thú học tập là đòn bẩy để con trẻ tiến bộ. Ảnh: Hữu Cường

Đánh giá trẻ là việc vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta áp đặt những kiến thức của mình lên trẻ và đánh giá thì từ đó sai số sẽ rất lớn.

Sai lầm sẽ càng lớn nếu như lấy đứa trẻ này làm thước đo cho những đứa trẻ khác, hoặc lấy một tiêu chuẩn chung chung cho mọi đứa trẻ.

Cha mẹ hãy chấm dứt ngay việc so sánh con mình với con hàng xóm. Đồng thời, cha mẹ cũng đừng lấy bất kể ai để áp đặt cho con mình. Điều đó không những ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mà còn làm cho con bị áp lực, thấy bất mãn và khó chịu.

Việc so sánh với trẻ khác khiến cho trẻ thiếu tự tin, luôn muốn thu mình lại. Thực tế đã chứng minh việc đánh giá đó nhiều khi không chính xác và lý do áp đặt. Đôi khi, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại.

Giúp trẻ có hứng thú học tập

Không phải đứa trẻ nào rồi cũng trở thành bác sĩ, nhà khoa học nguyên tử hay một giảng viên đại học. Và thực tế không phải cứ làm những công việc địa vị cao thì sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.

Theo ThS Hà Thị Minh Chính, mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục không chỉ truyền thụ tri thức mà quan trọng hơn là thắp lên ngọn lửa khát khao học tập và ý thức tự rèn luyện bản thân.

Để giúp trẻ có hứng thú học tập, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ là phải cùng phối hợp với nhà trường giúp đỡ con học tập ở nhà, có như vậy mới nắm bắt được tình hình học tập của con cũng như chương trình học tập ở trường để kịp thời động viên, hỗ trợ con trong học tập. Từ đó phối hợp cùng với GV tìm ra cách thức, các biện pháp hỗ trợ trẻ và như vậy trẻ sẽ không sợ học. Trẻ sẽ coi việc học là nhiệm vụ mà trẻ tự nguyện tham gia.

Vì vậy, thay vì lo lắng buồn phiền, quát mắng trẻ thì thầy cô và cha mẹ hãy lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của trẻ, giúp trẻ phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu.

Với những đứa trẻ này, nếu thiếu sự quan tâm, giúp đỡ từ phía thầy cô, gia đình, trẻ sẽ mất hứng thú và động cơ học tập, dẫn đến kết quả học tập sa sút, tâm lý ngại học và xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực như nói dối cha mẹ, thầy cô, trốn học.

“Cha mẹ thay vì cảm thấy xấu hổ, thất vọng khi con có kết quả học tập chưa tốt. Điều cần làm đó là kiên nhân, ân cần chỉ dạy để giúp trẻ từ từ tiếp thu kiến thức, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh thực sự của mình”, ThS. Hà Thị Minh Chính chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ