Bảo vệ trẻ trên môi trường mạng

GD&TĐ - Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 1 người là trẻ em. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, bên cạnh những mặt tích cực mà internet mang lại, trẻ em phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trên môi trường mạng.   

Bảo vệ trẻ trên môi trường mạng

Những rủi ro khó lường

Theo thống kê của Cục Trẻ em – Bộ LĐ,TB&XH, trung bình mỗi ngày, trẻ em sử dụng mạng khoảng 4-5 tiếng. Đa số các em dùng internet để chơi game, vào Facebook, lướt web.... Nhiều em đã lạm dụng quá nhiều trong việc vào internet mà không biết tác hại của nó tới sức khỏe, học tập hàng ngày. Hơn thế nữa, mặt trái của internet còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro tới sức khỏe, tâm sinh lí và xâm hại tình dục trên mạng.

Em Hà Thị Phương Thảo, HS lớp 9A1, Trường THCS Đức Xuân (TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: Một ngày em dành từ 3 - 4 tiếng để vào mạng internet để lướt web. Mục đích là học hỏi và biết thêm thông tin về cuộc sống, xã hội và trò chuyện với các bạn. Theo em, lợi ích của internet là rất lớn, nhưng cũng không ít rủi ro. Chẳng hạn khi như em đang vào một trang web chính thống thì có một số quảng cáo không hay kèm theo đường link nhảy vào quảng cáo. Nếu tò mò, mình có thể kích chuột vào đó xem. Khi xem một lần có thể xem lần 2, lần 3… sau thành thói quen khó bỏ, rất dễ dẫn đến nghiện và ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập.

Em Vũ Hoàng Phúc, HS lớp 11A2 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng cho biết: “Mạng xã hội ngày nay được nhiều người sử dụng, nhất là các bạn học sinh như chúng em. Tuy nhiên, để sử dụng các trang mạng sao cho đúng mục đích và có chừng mực chứ không nên lạm dụng để chơi trò chơi hay vào Facebook tán gẫu, đăng ảnh chế giễu bạn bè…”.

Theo Hoàng Phúc, đã có sự việc về mạng internet không hay xảy ra ở trường em. Đó là vào giờ tin học, một bạn truy cập vào trang Facebook cá nhân rồi quên không thoát ra. Sau đó có lớp khác vào học giờ tin học, người sử dụng máy tính ấy đã phát hiện trang Facebook vẫn đang mở, bèn vào đăng một số hình ảnh và bình luận phản cảm. Khi phát hiện ra sự việc, “khổ chủ” đãng trí ấy đã phải thanh minh khắp các bạn bè trên Facebook cá nhân, đồng thời báo cáo với giáo viên phụ trách lớp tin học để rà soát tìm ra thủ phạm. Dù sự việc được giải quyết, nhưng “tai tiếng” để lại vẫn khá lớn…

Hỗ trợ, can thiệp đi kèm với kiểm soát

Ông Michael Gray, Giám đốc chương trình quỹ Sec Dev đến từ Canada cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ cho trẻ em, phụ nữ và các nhóm thiệt thòi có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm bảo phòng chống được những tác hại do internet gây ra. Cách can thiệp của chúng tôi là hỗ trợ các bên liên quan khác nhau thực hiện các nỗ lực quản trị internet với các sáng kiến để thúc đẩy một mạng lưới mở nhưng an toàn. Tại mạng lưới, chúng tôi làm việc chặt chẽ với các chính phủ, các trường ĐH, các tổ chức NGO trong một loạt hoạt động; Hỗ trợ các chuyên gia và hiệp hội ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) trong các vấn đề về chính sách không gian mạng”.

“Cùng với các quyền của trẻ em ngày càng được tôn trọng và cam kết thực hiện, thế giới ngày nay vẫn và sẽ còn những nguy cơ xâm hại trẻ em. Vì vậy, các quyền được bảo vệ, được an toàn của trẻ em – cả trên môi trường mạng - cần được quan tâm và bảo đảm hơn nữa. Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chính là môi trường để trách nhiệm và mối quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới truyền thông được thực hiện rõ rệt và cụ thể hơn”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng 
Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) 

Việc kết nối mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là hoạt động rất thức thời và hợp xu hướng từ phía các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong thời đại công nghệ số phát triển rộng rãi và len lỏi tới mọi ngõ ngách của cuộc sống, chỉ có cách tiếp cận phối hợp đa bên, đa ngành là phương thức tối ưu để có thể bao phủ giải quyết nhiều vấn đề một lúc liên quan đến bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, can thiệp tới hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Phú Lương, chuyên gia Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông), để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, các cấp, ban ngành liên quan cần cung cấp thông tin cho trẻ về những địa chỉ an toàn, những trang trẻ có thể truy cập phục vụ cho việc học tập, vui chơi lành mạnh. Đồng thời cảnh báo cho trẻ những dạng trang web không nên truy cập. Cùng với đó, phụ huynh nên kiểm soát con một cách chặt chẽ. Nên để các thiết bị sử dụng được internet trong tầm kiểm soát, không để cho trẻ tự tiện sử dụng.

“Cha mẹ có thể kích hoạt chế độ dùng internet an toàn cho trẻ em. Giới hạn cho trẻ sử dụng một số trang web an toàn. Làm sao các em truy cập vào chỉ để học tập, tìm kiếm thông tin, giải trí. Để làm được điều này, cha mẹ có thể cài đặt một số công cụ quản lí: Trẻ chỉ vào được những trang web học tập, khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh mình. Hơn nữa, các phụ huynh, nhà trường và các tổ chức xã hội cần có biện pháp GD, quản lí chặt chẽ để học sinh hiểu được mình cần làm gì và không được làm gì khi tham gia vào môi trường mạng internet”, ông Nguyễn Phú Lương khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.