Giá điện tăng thêm 8,36%: Dùng nhiều phải trả tiền nhiều

GD&TĐ - Từ 20/3, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36%, lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tăng hơn 140 đồng so với mức bình quân năm 2018 là 1.720 đồng/kWh. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đã trực tiếp lý giải xoay quanh vấn đề tăng giá điện.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) chủ trì họp báo công bố tăng giá điện thêm 8,36% kể từ 20/3. Ảnh: Thanh Tuấn
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) chủ trì họp báo công bố tăng giá điện thêm 8,36% kể từ 20/3. Ảnh: Thanh Tuấn

Dưới 50 kWh trả thêm 7.000 đồng/tháng

Theo tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất là 1.678 đồng/kWh và cao nhất là 2.927 đồng/kWh. Nếu tính thêm thuế VAT, giá bán lẻ điện cao nhất lên tới 3.219 đồng/kWh.

Giá bán điện với các hộ, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp... được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm, cao điểm), chia theo cấp điện áp dưới 6 kV, 22 kV và 110 kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất điện áp dưới 6 kV giờ cao điểm là 3.076 đồng/kWh, thấp nhất là 970 đồng vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110 kV trở lên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực phân tích, mỗi tháng khách hàng sinh hoạt dùng dưới 50 kWh sẽ phải trả thêm là 7.000 đồng. Dùng từ 50 kWh - 100 kWh hộ dân sẽ phải trả thêm 14.000 đồng. Nếu dùng tới 200 kWh sẽ phải trả thêm 31.600 đồng, dùng 400 kWh trả thêm 77.200 đồng.

Với hộ kinh doanh, cơ quan điều tiết điện lực tính toán mỗi hộ sẽ phải trả thêm bình quân 500.000 đồng mỗi tháng khi giá điện tăng. Có khoảng 1,4 triệu hộ khách hàng sản xuất số tiền bình quân phải trả gần 12,4 triệu đồng, tăng thêm xấp xỉ 870 nghìn đồng một tháng.

Hơn 20 nghìn tỉ đồng cho chi phí “đầu vào”

Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, hộ dùng nhiều điện sẽ phải tiết kiệm điện hơn nếu không muốn phải trả nhiều tiền điện (vẫn tính giá lũy tiến). Thậm chí, theo ngành điện, tăng giá điện ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng nhiều điện, hộ dùng nhiều điện phải trả thêm tiền điện đồng nghĩa với việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ dùng ít điện và đây là cách tính hợp lý. Hiện Nhà nước hỗ trợ tiền điện mỗi tháng khoảng 50.000 đồng/hộ nghèo, hộ chính sách.

Cũng theo ông Đinh Quang Tri, việc điều chỉnh giá điện tăng thêm 8,36% lần này sẽ giúp EVN sẽ thu thêm được hơn 20.000 tỉ đồng. Số tiền thu thêm được này lãnh đạo EVN lý giải sẽ dùng để chi trả phần chi phí “đầu vào” tăng thêm trong sản xuất điện. Bao gồm cả chi trả cho than sản xuất điện (hơn 7.000 tỉ đồng); trả cho chênh lệch giá khí bao tiêu (gần 6.000 tỉ đồng), khoản này sẽ được PVGas nộp ngay vào ngân sách Nhà nước; đồng thời sẽ thanh toán chênh lệch tỉ giá 3.825 tỉ đồng.

Ngành điện thông tin, hiện tại không đủ than trong nước để cung cấp cho các nhà máy điện than nên phải nhập khẩu, dù giá than trong nước vẫn thấp hơn giá than nhập khẩu. Lãnh đạo EVN cho biết muốn đẩy mạnh sản xuất điện mặt trời áp mái, khuyến khích người dân sử dụng nguồn năng lượng này, đồng nghĩa với việc hạn chế sử dụng điện cung ứng bởi EVN. 

Lãnh đạo EVN cũng khẳng định đã báo cáo và được Bộ Công Thương quyết định từng nhà máy điện sẽ được hưởng chi phí thanh toán cho năm 2017, đưa vào phục lục hợp đồng thanh toán điện. Các nhà đầu tư cũng sẽ phát hành hóa đơn để thanh toán. “Khoản này sẽ thanh toán ngay để nhà đầu tư trang trải chi phí, mà đáng lẽ họ phải được trả 2 năm trước” - ông Đinh Quang Tri nói. Trong số tiền thu được, EVN cũng sẽ thanh toán cho nhà đầu tư về quyền khai thác nước, mà trong giá điện trước đây chưa có, nay sẽ tính bổ sung.

Tổng mức thanh toán các khoản được EVN liệt kê lên tới 21.000 tỉ đồng. Lãnh đạo EVN khẳng định: “Chúng tôi gần như là trung gian đi thu tiền rồi trả cho đối tác. EVN không thể cáng đáng được các khoản này, buộc phải đưa vào giá điện để thanh toán”. Riêng khoản 4.500 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá của EVN, khi có lãi EVN đã trình Bộ chủ quản xin tự hạch toán luôn, để không đưa vào giá điện.

Cục Điều tiết Điện lực khẳng định việc tiếp tục duy trì tính giá điện bậc thang là cần thiết, sau này có thể sẽ tính toán thêm việc điều chỉnh các bậc thang giá điện cho hợp lý. Tại cuộc họp báo hôm qua, Bộ Công Thương cũng thông tin việc tăng giá điện thêm 8,36%, tính toán CPI năm 2019 sẽ tăng trong khoảng 3,3 - 3,9%. Mức tăng CPI này do việc điều chỉnh giá điện được cho là vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm nay.

Theo thống kê, từ 2010 đến nay, Việt Nam có 7 lần tăng giá điện, trong đó lần gần đây nhất là 1/12/2017 với biên độ tăng 7,5%.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ