Em bé đầu tiên sinh từ tử cung hiến của người đã chết

Lần đầu tiên y khoa thế giới ghi nhận sự kiện một người mẹ được ghép tử cung hiến từ một người đã chết vừa sinh ra một em bé khỏe mạnh.

Em bé đầu tiên sinh từ tử cung hiến của người đã chết

Theo Hãng tin AFP các nhà nghiên cứu liên quan tới thành tựu này vừa công bố thông tin ngày 5-12 trên tạp chí The Lancet. Theo đó ca phẫu thuật ghép tử cung đột phá này được tiến hành từ tháng 9-2016 tại thành phố Sao Paulo, Brazil.

Thành công đầu tiên từ ca ghép tử cung hiến của người đã chết này mở ra cơ hội giúp hàng ngàn phụ nữ không thể sinh con vì gặp các trục trặc về tử cung.

Bé gái trong trường hợp này ra đời trong tháng 12-2017. Mẹ em bé là một phụ nữ 32 tuổi bẩm sinh đã không có tử cung do mắc một hội chứng hiếm gặp. Người hiến tử cung là một phụ nữ 45 tuổi qua đời do đột quỵ.

Cho mãi tới gần đây, giải pháp duy nhất giúp những phụ nữ bị vô sinh do nguyên nhân tử cung chỉ là sử dụng các dịch vụ mang thai hộ được cấp phép.

Trường hợp đầu tiên sinh con thành công nhờ ghép tử cung của một người hiến còn sống diễn ra năm 2014 tại Thụy Điển. Kể từ đó tới nay đã có thêm 10 trường hợp sinh con bằng phương pháp này.

Tuy nhiên trên thực tế số phụ nữ có nhu cầu ghép tử cung cao hơn rất nhiều số người hiến có thể đáp ứng, do đó các bác sĩ đã nghiên cứu khả năng sử dụng tử cung của những người phụ nữ đã qua đời với hi vọng tạo thêm cơ hội làm mẹ cho nhiều người hơn nữa.

Cho tới nay đã có 10 ca ghép tử cung người đã chết được tiến hành tại Mỹ, CH Czech và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trường hợp sinh em bé thành công từ phương pháp này lần đầu tiên được ghi nhận tại Sao Paulo, Brazil.

Hiện có từ 10-15% cặp vợ chồng bị vô sinh. Trong số đó 1/500 phụ nữ có vấn đề ở tử cung khiến họ không thể mang thai và sinh con.

Bác sĩ Dani Ejzenberg tại ĐH Sao Paulo, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Các kết quả của chúng tôi là sự chứng minh tính khả thi của lựa chọn mới giúp các phụ nữ vô sinh vì nguyên nhân tử cung".

Cũng theo ông Ejzenberg, đây là một "cột mốc trong y học". Ông nói: "Số những người sẵn sàng và cam kết hiến tạng khi qua đời nhiều hơn những người hiến còn sống, điều này tạo ra một lượng người hiến có tiềm năng lớn hơn".

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.