Tôi lên tỉnh học cấp III sau khi thi đỗ vào trường chuyên. Trường tôi học cách nhà hơn 10 cây số. Bố mẹ sợ tôi vất vả, cho tôi trọ tại kí túc của trường. Sau tốt nghiệp, tôi khoác ba lô, giã từ bố mẹ lên thành phố vào đại học. Bốn năm ôn luyện, thi cử, tôi ngày ngày ôm cuốn sách trên thư viện và chiếc ba lô đựng chiếc laptop mà bố mẹ mất cả nửa năm mới dành dụm mua được cho con.
Tôi ít về nhà, mẹ thường gọi điện hỏi, tôi trả lời qua loa: “Dạo này con bận quá, kì thi sắp đến, con muốn ở lại tập trung ôn luyện mẹ ạ!”. Giọng mẹ ầm ừ qua điện thoại nghe buồn bã nhưng vẫn không quên nhắc nhở tôi: “Con gắng học, nhớ giữ gìn sức khỏe con nhé!”.
Kì học nào tôi cũng nhận được học bổng. những món tiền đó, tôi nhanh tay gửi về cho mẹ. Bố mẹ nghe tin mà vui mừng, gọi cho tôi rối rít. Mẹ vẫn chỉ hỏi: Tuần này, con có về không? Những lần về nhà của tôi cứ thưa dần, thưa dần vì tôi có bao lí do biện minh mà giải thích với mẹ. Có khi tôi còn thấy mẹ “phiền”.
Ngày ra trường, tôi ở lại Hà Nội, lăn xả vào đời, chiến đấu như chàng dũng dĩ hùng mãnh những mong tìm được một chỗ đứng trong cái xã hội nhiều bon chen này. Tôi đi làm, mải mết với công việc và bắt đầu biết yêu.
Tôi càng ít có thời gian được bên mẹ và gia đình. Tôi vẫn gửi tiền về thường xuyên qua ngân hàng hay gửi anh chị khi về mang cho mẹ. Ngày trong tuần bận rộn với công việc và sổ sách, đợi những ngày cuối tuần dảnh rỗi, tôi đưa bạn gái đi chơi.
Tôi biết hẹn hò, biết ôm chiếc điện thoại, biết nhớ nhung và khó chịu khi cả tuần nếu không nhìn thấy mặt người yêu. Mẹ gọi điện vẫn hỏi một câu: “Sao con không về?”. Tôi vẫn ca bài điệp cũ: “Con bận mẹ ạ!”.
Sau 2 năm đi làm, tôi tích cóp được một khoản kha khá, công ty cử tôi đi du học trong 1 năm, tôi không duy nghĩ, vác ba lô mà đi. Thời gian ở nước ngoài, chuyện bài vở, học hành và những mối quan hệ mới, tôi vẫn chỉ băn khoăn câu nói của mẹ: “Con có bận không? Sao con không về?”. Mẹ nghe câu nói của tôi mà buồn, giọng mẹ giận dỗi: “Đường về nhà xa thế hả con?” Câu nói đó vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Tôi lấy vợ cùng công ty. Tôi đã có gia đình. Hai vợ chồng cố gắng mua căn nhà cho gần nơi làm việc. Có nhiều lần, tôi ngỏ ý đón bố mẹ lên sống chung với chúng tôi nhưng ông bà không chịu. Tôi nhìn ra bầu trời với những cánh chim bay, thấy chiếc tổ chim non đang ríu rít tiếng kêu gọi mẹ, con chim mẹ với đôi cánh rộng bay đến, mang con sâu nhỏ mớm cho mấy chú chim non.
Tôi biết, khi chim non mọc cánh, đủ vững chắc nó sẽ bay đi bỏ lại mẹ nó với chiếc tổ buồn quạnh vắng. Càng lớn, tôi mới thấy mình càng xa mẹ.
Quê hương tôi bao người cũng ôm chiếc ba lô như tôi mà đi nhưng có mấy ai trở lại bao giờ. Có hàng trăm ngàn vạn lý do để bao bước chân ra đi không quay trở về được nữa.
Với tôi bây giờ, khi mỏi gối chồn chân, khi tuổi 60 đã đến gần, đã lập nghiệp và có gia đình, tôi vẫn chưa một lần mà nghĩ cho hiểu: Con đường về nhà có thực sự xa không?
Tuổi đã xế chiều, cuộc hành trình mỏi gối đã ngưng nghỉ, tôi bắt đầu nghĩ về mẹ, về quê hương. Nơi tôi đã sinh ra với mái ngói đỏ tươi, những vườn rau xanh mướt, con đường làng vòng vèo đỏ tung cát bụi, những tường đá mốc rêu và gạch đất lổm chổm đường đi.
Mọi thứ đến và đi trong chóng vánh, con cái tôi cũng lớn lên có đủ cánh để bắt đầu đi xa như tôi ngày ấy. Thấy tuổi già đến gần, nỗi cô đơn càng lớn. Nhớ mẹ nhớ nhà và văng vẳng bên tai tôi lời trách hờn của mẹ: “Đường về nhà xa thế hả con?”.