Nhà có 3, 4 nồi thuốc
Hai chị em Vân sinh ra như những đứa trẻ bình thường. Năm Vân 12 tuổi sức khỏe cứ yếu dần. Bố mẹ đưa đi khám nhiều nơi các bác sĩ đều kết luận, Vân bị chứng bệnh teo cơ. Nỗi buồn chưa nguôi ngoai cũng là lúc gia đình phát hiện, Nam (khi đó 10 tuổi) cũng có những biểu hiện giống như Vân, chân tay mềm nhũn, yếu dần, yếu dần và cả cơ thể gần như “bất động”. Lo đưa hai chị em đi hết nơi này tới nơi khác để chữa bệnh, nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không, bố mẹ Vân già đi nhiều so với cái tuổi ngoài 40.
2 chị em Vân và Nam |
Thương con, ông bà cố gắng bám trụ với quán tạp hóa, những ngày tết còn làm thêm nghề đóng giày để kiếm tiền vừa lo chữa bệnh vừa lo ăn học cho hai con. Khoảng 3 năm trước, khi gia đình còn có thêm nghề cân chuối, ngày nào 12h đêm, sau khi lo hết mọi công việc, cho hai chị em yên giấc, bố mẹ Vân mới được ăn cơm, 1 - 2h đêm mới đi ngủ, 5h sáng hôm sau đã phải dậy lo bán hàng và chuẩn bị cho hai chị em tới lớp. Công việc vất vả, bản thân bố Vân cũng bị thoái hóa cột sống, mẹ bị đau lưng thường xuyên. Trong nhà lúc nào cũng có 3, 4 nồi thuốc. Nồi dành riêng cho bố, nồi cho chị em Vân và 1 nồi cho mẹ.
Ngày tết là thời kỳ có nhiều việc và dễ kiếm tiền, cũng là lúc bố Vân hay bị đau vì trời lạnh. Nhưng ông vẫn cố gắng làm việc để quên đi nỗi đau vì sợ mình sẽ trở thành gánh nặng cho vợ. Vân vẫn nhớ, năm em học lớp 9, bố bị bệnh, chân tay teo tóp, nằm liệt nửa năm, nhưng bố nhất định không chịu đi viện vì sợ tốn tiền. Một mình mẹ chăm ba bố con bị bệnh. Kinh tế gia đình càng thêm khó khăn. “Nhiều hôm về, nằm nhìn lên mái nhà, em vẫn thường hỏi mẹ: mẹ ơi, nếu đang nằm thế này mà ngói rơi xuống người thì sao? Mẹ chỉ xoa đầu em và cười”, Vân kể tôi nghe về ngôi nhà của em ở khu 11, phố Lồ, xã Nguyệt Đức, Yên Lạc, Vĩnh Phúc mà đôi mắt em đượm buồn và lệ như chực trào ra.
Nhìn cảnh nhà nghèo, bố mẹ ngày phải thay phiên nhau có mặt ở trường 7, 8 lần để đưa đón cả hai chị em sẽ càng thêm vất vả, đã có lúc Vân nghĩ mình sẽ bỏ học để bớt khó khăn cho gia đình. Thế nhưng ánh mắt của bố trên giường bệnh và những giọt nước mắt mẹ giấu sau những lần quay đi vội đã trở thành động lực giúp Vân tiếp tục tới trường.
Mẹ mới sinh thêm em bé được hơn một năm, tất cả niềm hy vọng đều được gửi gắm nơi em, nhưng chẳng mấy khi bố bế nổi em, vì căn bệnh luôn hành hạ bố. Khoảnh khắc để lại cho Vân nhiều nước mắt nhất có lẽ là khoảng thời gian tháng 11 năm 2009, khi chỉ trong 3 ngày mà cả 3 chị em Vân lần lượt nhập viện. Vân và Nam bị sốt xuất huyết nằm tại bệnh viện Xây dựng (Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội), em út bị tiêu chảy được đưa đi cấp cứu trên bệnh viện huyện ở quê. Bố mẹ lại chia nhau đi chăm sóc các con. “Bố chăm bọn em trên Hà Nội, hai chị em lại nằm ở hai tầng khác nhau nên bố đi đi lại lại mệt lắm. Thương bố mẹ, nhiều khi em muốn quay đi chỗ khác để khóc, nhưng không sao tự trở mình được…”, Vân tân sự.
Tàn nhưng không phế
Nhìn cơ thể hai em vẫn lớn lên bình thường không ai nghĩ hai em lại đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo và cuộc sống “đặt đâu ngồi đấy”. Vượt lên trên tất cả những khó khăn, tuy không biết tới một giờ học thêm nào, hai chị em Vân và Nam đã đền đáp lại công ơn cha mẹ bằng những thành tích học tập xuất sắc: Vân luôn là 1 trong 5 người đứng đầu trường những ngày em còn học phổ thông; được dự thi vở sạch chữ đẹp; học sinh giỏi tỉnh môn Văn năm lớp 10, lớp 11; đạt giải Nữ sinh tương lai; bằng khen Đoàn viên ưu tú, Thanh niên làm theo lời bác,… Còn cậu em trai cũng không hề kém chị. Được gọi vui là người tạo nhiều bất ngờ trong học tập, trong 12 năm học, tuy Nam chỉ đạt thành tích học sinh tiên tiến, nhưng em đã đứng thứ 3 của trường trong kỳ thi vào cấp 3, thủ khoa khi thi tốt nghiệp THPT, đỗ đại học khi môn hóa em chỉ có 15 phút làm bài vì bị đau bụng,… Giờ cả hai chị em đều là những sinh viên đại học ưu tú, thành viên của nhóm Hoa Đá. Vân học lớp k52 Hán Nôm, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV, Nam là sinh viên lớp k54 Khí tượng, khoa Khí tượng Thủy văn Hải Dương, trường ĐH Tự nhiên Hà Nội.
2 chị em Vân Nam rất cần có người giúp đỡ khi di chuyển |
Những ngày học trung học, nhà gần trường, thỉnh thoảng được bạn bè tới đưa đi học, nên ngày đầu bước chân lên giảng đường đại học cũng là ngày đầu tiên Vân biết tới cảm giác ngồi xe lăn. “Ban đầu em rất sợ cái cảm giác ấy, nhưng giờ ngồi lâu dần cũng quen” – Vân cười. Để phù hợp với điều kiện mỗi khi ngồi học Vân thiết kế thêm chiếc bàn lắp trên xe. Khi có thêm em Nam lên Hà Nội học cùng, hai chị em được gần nhau, nhưng Vân lại phải chia sẻ xe lăn với em. Thương em, Vân nhường chiếc xe của mình cho Nam, còn Vân chọn chiếc xe đã cũ, mỗi lần ngồi lên nó, mặc dù chân tay không có cảm giác nhưng em như cảm thấy toàn thân mình đau nhức. Khi có ai nhắc tới việc mua chiếc xe lăn mới, em chỉ cười, vì điều kiện khó khăn, gia đình lo cho hai chị em ăn học, rồi thuê người giúp việc lên Hà Nội cùng Vân, Nam đã rất vất vả rồi, nói gì tới chuyện mua xe.
Nghĩ tới những ngày phải sống tự lập, không có bố mẹ chăm sóc, vì người giúp việc nhiều khi cũng không hiểu hết được bệnh của hai em, không lo được hết những khi các em đau, nhiều khi Vân không muốn tiếp tục đi học. Những khi trời trở lạnh, các ngón tay cứng lại, không theo sự điều khiển của Vân, nhưng em vẫn cố gắng di chuyển cây bút để hoàn thành bài tập được giao và những bài dịch mà bạn bè nhờ. Tuy sức khỏe không cho phép Vân tới trường đầy đủ, nhưng em rất thích đi học vì đi học em có thêm nhiều kiến thức, được giao lưu với bạn bè. Trong suốt 3 năm học đại học, Vân luôn là sinh viên giỏi, nhiều lần nhận được bằng khen của hiệu trưởng.
Với Vân sức khỏe giờ là thứ quý nhất, có sức khỏe em sẽ làm được nhiều việc để giúp gia đình, bố mẹ không phải lo tìm người giúp việc cho hai chị em, khoản tiền đó sẽ thêm vào lo cho em út có được sức khỏe vẹn tròn, lo chữa bệnh cho bố, sửa lại căn nhà,… Hành trang của Vân luôn có câu nói của mẹ “mẹ chỉ có thể lo tiền cho hai con đi học, giúp các con bớt đau nhưng không thể ăn, không thể thở giúp hai con được”. Câu nói đó của mẹ giúp chị em Vân thêm trân trọng cái vốn sức khỏe còn lại của mình.
Hai chị em Vân đang cùng bước chung trên con đường học vấn gian nan, nhưng cũng đầy triển vọng phía trước. Mong ước của hai chị em về một chiếc xe lăn mới, mong ước có được người hỗ trợ 24/24 để có thể trở mình giúp hai chị em khi về đêm, giúp hai em những khi đau ốm,… thật giản dị. Và Vân rất muốn với sự giúp đỡ của mọi người, những mong ước giản dị ấy sẽ thành hiện thực để hai chị em Vân - Nam có thêm điều kiện để thực hiện tiếp những ước mơ của mình về một tương lai tươi sáng.
Nguyễn Huệ