5 giờ sáng hàng ngày, bờ cát ở cuối bãi tắm Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) nhộn nhịp tiếng cười nói. Các ngư dân í ới hỏi thăm nhau, chúc một ngày ra khơi an toàn và may mắn, bắt được nhiều tôm hùm.
Khoảng 20 chiếc thuyền gắn máy công suất thấp cùng ra khơi, tạo nên không khí huyên náo một vùng biển.
Anh Nguyễn Văn Dũng (trú thị trấn Cửa Tùng), người có 15 năm kinh nghiệm lặn biển cho hay, mùa săn tôm hùm nhí thường bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tháng 9 hàng năm.
Vào năm trước, tất cả ngư dân ở đây đều phải nghỉ làm do ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Năm nay, tôm hùm đã xuất hiện trở lại cùng với dấu hiệu môi trường hồi sinh.
Các thợ lặn thường xuống bắt tôm hùm ở vùng biển cách bờ khoảng 3-5 hải lý, nước sâu đến 15 sải tay, tức khoảng 20 m.
Mỗi ngày ngư dân lặn dưới đáy biển đến 8 tiếng để săn tôm hùm. Ảnh: Hoàng Táo
“Mỗi thuyền thường đi 2-3 người, một người lặn, người còn lại lo máy móc, ống khí. Hàng ngày, mỗi người lặn tổng cộng khoảng 8 tiếng và cứ khoảng 3 tiếng thì đổi ca”, anh Dũng kể và cho hay những ngày gặp may nhờ thời tiết thuận lợi, mỗi thuyền có thể thu nhập đến 3-4 triệu đồng nhờ số lượng tôm hùm nhí bắt được.
Ông Phan Quốc Việt có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng nay đã nhiều tuổi không đảm bảo sức khỏe để lặn nên chỉ ngồi trên thuyền trông coi máy móc, dây khí.
Đi chung thuyền với ông Việt, anh Nguyễn Văn Hải nói khi lặn biển thì ngư dân mang bộ đồ nhái, nhưng không giữ ấm được là bao. "Mỗi bộ dùng được khoảng một năm, tuy nhiên do khó khăn nên đa phần đều tận dụng, mặc thêm năm nữa mới sắm mới”, anh Hải chia sẻ.
Giá tôm hùm giống năm nay chỉ bằng phân nửa so với mọi năm khiến các ngư dân Quảng Trị có phần kém vui. Ảnh: Hoàng Táo
Chịu sức ép lớn dưới đáy biển, đối mặt với không ít rủi ro, nhiều ngư dân bảo lặn bắt tôm hùm nhí là nghề đánh cược với tính mạng. “Việc mưu sinh dưới đáy biển quá vất vả, nguy hiểm, có người từng bỏ mạng vì lặn săn tôm hùm”, ông Việt nói.
Trong khi đó, năm nay tôm hùm có giá 13.000 đồng mỗi con, chỉ bằng phân nửa so với thời điểm trước sự cố môi trường biển nên các ngư dân kém vui.