Sức khỏe tâm thần của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đã có trường hợp tự vẫn. Trước kỳ thi đại học căng thẳng sắp tới, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II - đã trao đổi về vấn đề này.
Thưa bác sĩ, dường như phụ huynh ít quan tâm sức khỏe tâm thần của con?
- Đa phần phụ huynh Việt Nam ít quan tâm đến sức khỏe tâm thần của con. Nhiều người không ngừng tạo áp lực lên con cái, thiếu chia sẻ, hỏi han, khiến sức khỏe tâm thần của con cái bị đe dọa nghiêm trọng.
Đỉnh điểm của sự căng thẳng là kỳ thi đại học - kỳ thi mà cả học sinh và phụ huynh đều cho là quan trọng nhất trong cuộc đời.
Các em học sinh thường gặp nguy cơ nào?
- Stress là điều không thể tránh ở học sinh, nhất là trong môi trường giáo dục Việt Nam - Học sinh đi học không chỉ thi riêng cho mình mà còn mang về thành tích cho… cha mẹ. Có người stress ít, có người stress nhiều và không loại trừ có người bị rối nhiễu tâm lý nghiêm trọng, phải nhập viện.
Trước những kỳ thi lớn, đặc biệt là thi tuyển sinh đại học, mỗi sĩ tử đều cảm nhận được “sức nóng hầm hập” đuổi sau lưng mình. Áp lực đó lớn đến nỗi, nhiều em thấy rằng, thi rớt đại học là một nỗi nhục của gia đình, rớt đại học là bầu trời tương lai sụp đổ. Với cách suy nghĩ đó, đã có trường hợp tự vẫn khi có kết quả thi kém.
Phải chăng học sinh đang phải chịu áp lực không đáng có?
- Tất nhiên, trong cuộc sống, con người ta phải có áp lực mới đạt được kết quả tốt, việc học cũng vậy. Tuy nhiên, thực tế thì học sinh đang phải chịu nhiều áp lực hơn mức cần thiết.
Các phụ huynh đừng tạo thêm áp lực cho con, cần tỉnh táo nhìn nhận sức học của con đến đâu, từ đó khích lệ, nâng đỡ để con cố gắng đạt kết quả tốt nhất trong khả năng có thể. Việc không ngừng tạo áp lực chẳng những khiến con làm bài không tốt mà còn khiến tâm thần các em bị ảnh hưởng.
Làm sao để biết được tình trạng sức khỏe tâm thần của con?
- Phụ huynh có thể để ý nhận diện những cấp độ rối nhiễu tâm lý: mức độ nhẹ là rối loạn thích ứng với biểu hiện chống đối, không làm theo lời người khác, tỏ ra khó chịu; mức độ khá nặng là rối loạn thần kinh chức năng với biểu hiện lo âu một cách rõ rệt; mức độ nặng là trầm cảm với biểu hiện rối loạn tâm thần nặng, thậm chí là rối loạn nhân cách.
Khi trẻ có những biểu hiện trên, phụ huynh cần mạnh dạn đưa trẻ đi khám và chữa kịp thời.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, diễn biến tâm lý và sự biến chuyển của các cấp độ rối nhiễu tâm lý diễn ra khá âm thầm, biểu hiện không rõ ràng. Thế nên, chỉ những phụ huynh thực sự gần gũi, chuyện trò nhiều với con cái, may chăng mới nắm bắt được tình hình.
Phải chăng, để tránh việc gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý đối với con, cha mẹ cũng cần được làm “công tác tư tưởng” cho chính mình?
- Phụ huynh cần xác định rằng, thi trượt là chuyện bình thường. Bởi, thi cử cũng như bao chuyện khác, có thành công, có thất bại. Một người học tốt cũng có thể thi trượt, bởi trong việc này còn có nhiều ý tố chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến kết quả.
Phụ huynh cần chuyển qua cách nghĩ “chỉ là thi thôi mà”, “thua keo này, bày keo khác”. Khi nhìn một cách nhẹ nhàng và chính xác bản chất vấn đề, bản thân phụ huynh sẽ không biểu hiện căng thẳng, giúp con cái thoải mái, nhẹ nhõm hơn, từ đó làm bài tốt hơn trong kỳ thi.
Bác sĩ có thể gợi ý những việc cụ thể mà phụ huynh có thể thực hiện để hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho con?
- Phụ huynh cần trở thành người bạn đồng hành thực sự đối với con. Có như vậy, con mới chia sẻ những vướng mắc, lo âu. Cần tạo không gian yên tĩnh cho con học, khi con giải lao, có thể trò chuyện vui vẻ để con cảm thấy vui thú trong việc học.
Cha mẹ cũng cần khen ngợi, động viên con; giữ mối quan hệ cởi mở, nghe nhiều hơn và nói ít hơn đối với con; giúp con giữ cân bằng trong sinh hoạt như không học bài quá khuya, không nhịn đói khi học, không để tâm trạng bị trầm uất…
Tất cả những việc đó của cha mẹ là hướng đến mục đích cao nhất: giúp con hào hứng, vui vẻ trong con đường chinh phục đỉnh cao nhất (trong khả năng học hành của mình).
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này.