Đừng để rượu bia ngày Tết làm mất đi cuộc vui

GD&TĐ - Tết Nguyên Đán - ngày lễ quan trọng trong tiềm thức của Việt Nam, chắc chắn sẽ không thể thiếu những bữa rượu, bia tiệc tùng. Làm sao để tránh những trường hợp tiêu cực có thể xảy ra sau khi quá vui, quá chén?

Đừng để rượu bia ngày Tết làm mất đi cuộc vui, an toàn và khỏe mạnh bên gia đình! (hình minh họa)
Đừng để rượu bia ngày Tết làm mất đi cuộc vui, an toàn và khỏe mạnh bên gia đình! (hình minh họa)

Ảnh hưởng tiêu cực từ bia rượu trong ngày Tết

Để tránh những tiêu cực có thể xảy ra liên quan đến rượu bia khi xuân về, chúng ta nên “ghim” trong tiềm thức về những tác hại, ảnh hưởng tiêu cực từ việc quá chén. Dịp Tết là ngày lễ để vui vẻ, để gặp gỡ, để cùng nhau ôn lại chuyện cũ, chúc nhau điều tốt lành. Có một số người lại vin vào cớ đó để chuốc nhau cho say, cho xỉn mới thấy “đã”. Nào ngờ đâu, sau khi uống rượu bia, cảm giác tồi tệ ập đến không lâu. Đó có thể là cảm thất đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, mất kiểm soát hành vi… và thậm chí là gây ngộ độc cho cơ thể.

Có một phần lớn khi uống rượu, người ta không tham gia giao thông mà chỉ ở nguyên một chỗ. Tuy nhiên, việc uống rượu quá nhiều và quá nhanh sẽ tác động đến nhịp thở, nhịp tim, phản xạ nôn đưa đến hôn mê và chết. Một vài triệu chứng ngộ độc rượu là nôn ói, lẫn lộn, co giật, thở chậm, nhịp thở không đều, da xanh tái, hạ thân nhiệt, tiêu tiểu trong quần, mê man, không đánh thức được. Khác với say rượu khi uống quá chén, ngộ độc rượu là tình trạng cấp cứu nên cần nhập viện gấp. Mọi sự chậm trễ đều tăng nguy cơ tử vong.

Tùy cơ địa mỗi người nhưng phần lớn phải mất từ 8 đến 24 giờ thì các triệu chứng của cơn say mới biến mất. Trong lúc ấy, nếu phải ra đường, người ta sẽ dễ dàng mất kiểm soát dẫn đến tai nạn hoặc gây gổ đánh nhau, để lại những hậu họa đáng tiếc. Theo con số thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, hàng năm trong 6 ngày nghỉ Tết, cả nước có khoảng gần 300 vụ tai nạn giao thông, trong số đó gần một nửa số người chết và nửa còn lại bị thương hậu quả do bia rượu, quá chén và tham gia giao thông. Nhiều cảnh gia đình rơi vào trạng thái buồn bã, căng thẳng khi có người thân như vậy. Nào ngờ đâu Têt để vui, hóa ra lại để họa.

Làm gì để vẫn vui mà không bị say

Để tránh hoặc giải quyết cơn đau đầu, buồn nôn và những khó chịu của cơ thể, để uống rượu bia an toàn, tránh say ngày Tết Nguyên đán 2022 này, nên lưu ý một số gợi ý như sau:

Chỉ uống sau khi đã ăn nhẹ: Đây là yếu tố quan trọng nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói rét.

Trước khi nhập cuộc vui, nên ăn chút thực phẩm giàu chất béo. Theo chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn có nhiều chất béo sẽ tạo ra một lớp màng ở niêm mạc dạ dày và ruột, lớp màng này làm chậm quá trình hấp thu cồn vào máu giúp ít bị say hơn và gan có nhiều thời gian hơn để chuyển hóa cồn.

Ăn bánh mì nướng cũng có tác dụng tương tự. Hàm lượng carbon có trong bánh mì sẽ hấp thu một phần chất cồn, giúp hạn chế bị say hơn. Uống sữa cũng là sự lựa chọn tốt. Sữa sẽ giúp hạn chế sự chuyển hóa acetaldehyde, hạn chế sự hấp thu rượu vào trong máu, làm chậm quá trình hấp thụ rượu trong cơ thể, bảo vệ và giảm độ kích thích của rượu với dạ dày.

Cẩn thận hơn nữa, có thể bổ sung các viên vitamin tổng hợp có chứa các chất chống oxy hóa trước khi uống rượu, bia cũng là một trong những biện pháp chống say hiệu quả. Ăn sữa chua cũng rất tốt vì trong sữa chua có lượng keo thực vật lớn nên sữa chua giữ được trong dạ dày lâu hơn, giúp giảm nồng độ cồn và bảo vệ bao tử hiệu quả hơn. Quá trình gặp gỡ, vui vẻ ấy dùng chén uống lượng nhỏ và từ từ (không uống vì thách thức), lắng nghe cơ thể để biết dừng đúng lúc.

Uống chậm để gan có thời gian chuyển hóa cồn, vừa cảm nhận hương vị của thức uống vừa giảm tác hại của bia, rượu lên cơ thể. Uống xen kẽ nước lọc và ăn đồ ăn sẽ rất tác dụng. Hầu hết các trường hợp say diễn ra là do cơ thể bị thiếu nước. Uống nước lọc hoặc nước ép trái cây giúp pha loãng nồng độ cồn trong máu đồng thời kéo dài thời gian không để chất cồn tấn công ồ ạt vào cơ thể.

Một số người trộn lẫn rượu bia và nước có gas để uống, đây là việc làm tai hại vì khi pha trộn, các bọt khí trong nước có gas đẩy nhanh quá trình thẩm thấu chất cồn vào máu làm quá trình say nhanh hơn. Vì thế, không nên trộn lẫn nhiều loại rượu bia và nước có gas. Đồng thời, tránh những ly cocktail hỗn hợp có chất caffeine. Những ly cocktail hỗn hợp rất ngon miệng nhưng khiến cơ thể mất nước nhiều hơn, đồng thời còn làm tăng cảm giác buồn nôn và váng đầu, làm cơn say trở nên nặng nề, tồi tệ hơn.

Nếu chẳng may bị quá chén, cơ thể choáng váng, mệt mỏi, thì lập tức áp dụng những điều này để tránh rủi ro:

Hãy để cơ thể nghỉ ngơi trong một giấc ngủ ngắn. Khi say rượu cơ thể cần thời gian để hồi phục, vì vậy ngủ là cách tốt nhất. Trước khi đi ngủ nhớ đắp chăn ấm để đề phòng cảm lạnh. Việc uống nhiều nước có tác dụng lớn vì nó bù lại lượng nước đã mất bằng cách uống nước lọc hoặc nước ép trái cây, nước dừa,... Sau khi thức giấc hãy bổ sung năng lượng bằng thức ăn lỏng để để cơ thể dễ hấp thụ hơn.

Nếu bị nôn ói sau khi say rượu có nghĩa là cơ thể vừa bị mất nước, vừa mất đi một lượng muối khoáng và vitamin. Hãy bổ sung muối khoáng và vitamin sẽ tránh tình trạng mất sức, mệt lả. Có thể ăn các trái cây giàu kali và vitamin C như cam, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, quả bơ, mơ, bưởi,... để bổ sung lượng kali bị mất đi đồng thời hồi phục cơ thể nhanh hơn.

Sau khi thức dậy sau cơn say, 1 tách cà phê giúp tỉnh táo, giảm đau đầu. Ăn trứng cũng là lựa chọn tốt. Chất cysteine có trong trứng giúp phá vỡ lượng chất cồn còn lại trong cơ thể. Trong nước cam/chanh và mật ong có chứa một loại chất đường fructose. Đây là chất có khả năng tiêu hóa rượu nhanh hơn. Chỉ cần uống một ly nước cam hoặc mật ong rồi nằm ngủ, khi ngủ dậy sẽ thấy cơ thể tỉnh táo hơn nhiều.

Gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, giúp hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Chỉ cần thái một củ gừng tươi thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Có thể cho thêm vào ly nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể giải say rượu nhanh hơn.

Trên đây là một số gợi ý tham khảo. Ngoài kia, xuân đang đến gần, hy vọng, đừng ai bị rượu bia ngày Tết làm mất đi cuộc vui, an toàn và khỏe mạnh bên gia đình!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ