(GD&TĐ) - Sự việc cả nghìn người dân ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum) nằm trong vùng ngập của công trình thủy điện Đăk Đrinh có nguy cơ bị lũ cuốn trôi được các báo chí lên tiếng tuần qua như bồi thêm hồi chuông cảnh báo đối với cơ quan chức năng liên quan chịu trách nhiệm.
Mặc dù hiện tại, tỉnh Kon Tum đã vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân nhưng từ đó đã lộ rõ bất cập trong chậm triển khai công tác đền bù, tái định cư cho người dân. Vấn đề này lại làm dư luận xã hội không khỏi giật mình về một loạt vụ việc đe dọa đời sống dân sinh ở những nơi có công trình thủy điện lại có căn nguyên từ hiện tượng “nước đến chân mới nhảy”.
Đập thuỷ điện Ia Krêl 2 bị vỡ do thi công sai thiết. Ảnh: VTV |
Tình trạng hàng loạt công trình thủy điện mọc lên ở các tỉnh miền Trung Tây Nguyên không chỉ đồng nghĩa với sông, suối bị chặn dòng tích nước mà còn là nỗi ám ảnh với người dân vùng lũ. Khi các thủy điện này do chủ đầu tư nắm toàn quyền trong thi công, giám sát, chỉ cần thiếu sự thận trọng, trình độ tay nghề cao và ý thức trách nhiệm trong thiết kế; thi công, lắp đặt thiết bị, nghiệm thu... là có thể gây nguy hại tới tính mạng, tài sản của bao con người.
Tháng 3/2012, thông tin về hiện tượng thấm nước tại đập Thủy điện Sông Gianh 2 đã làm hàng trăm ngàn dân của 7 huyện hạ du thủy điện ăn ngủ không yên. Trong khi chưa có kết luận ngã ngũ từ những đoàn kiểm tra từ trung ương đến tỉnh tại huyện Bắc Trà My thì liên tiếp đập vào tháng 10 năm, đập chắn nước công trình thủy điện Dakrong 3 ở Quảng Trị cũng bị vỡ khi nước lũ lớn tràn qua.
Tiếp đó, đập Dak Mek 3 ở Kontum bị vỡ hồi tháng 11 và gần đây nhất, ngày 12/6/2013, đập thủy điện Ya Krel 2 tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cũng bị vỡ. Kết luận của cơ quan chức năng về vụ việc hai công trình thủy điện Ya Krel 2 và Dak Mek 3 đều cho rằng do thi công ẩu, không theo đúng thiết kế, ăn bớt vật tư nên dẫn đến hậu quả vỡ đập dù đang trong quá trình thi công như Dak Mek 3 hay đang trong quá trình tích nước như Ya Krel 2.
Đặc biệt, ở vụ việc vỡ đập thủy điện Ya Krel 2 (Gia Lai), khi sự cố xảy ra, Sở Công Thương Gia Lai đã không đến hiện trường để phối hợp với các ngành chức năng trong kiểm tra, xử lý sự cố. Sở Xây dựng Gia Lai lại không hỏi gì về hồ sơ dự án, không tuân thủ các quy trình (đúng ra Sở xây dựng phải cấp phép nhưng không có giấy phép hợp lý), tới lúc xảy ra sự cố mới mượn hồ sơ của các cơ quan liên quan khác để tìm thông tin, hồ sơ thiết kế lại không được thẩm định. Với cách quản lý lỏng lẻo, chủ quan như vậy, khó có thể đảm bảo sự an toàn cho các công trình thủy điện vào mùa mưa lũ cũng như đảm bảo an toàn cho tính mạng của người dân.
Chỉ còn một vài tháng nữa, miền Trung – Tây Nguyên lại bước vào mùa mưa lũ. Hi vọng sẽ không còn “tình trạng nước tới chân mới nhảy” như đã nói trên!
Hồng Thúy