Dùng cửa cuốn sao cho an toàn?

Sau khi thông tin “Phá cửa cuốn bằng công nghệ cao” xảy ra tại Hà Nội, nhiều bạn đọc nêu câu hỏi: “Sử dụng cửa cuốn làm sao cho an toàn?”.

Cửa cuốn được người dân ở đô thị dùng ngày càng phổ biến. Ảnh: Hữu Khoa
Cửa cuốn được người dân ở đô thị dùng ngày càng phổ biến. Ảnh: Hữu Khoa

Xin giới thiệu dưới đây câu trả lời của chuyên gia và thợ sửa khóa cửa cuốn.

TS HUỲNH PHÚ MINH CƯỜNG (Trường Đại học Bách khoa TPHCM):

Đừng ham rẻ mà mua...

Tôi có thời gian sống ở nước ngoài và thấy người ta ngoài dùng cửa cuốn còn sử dụng cửa khóa bằng khóa để tăng tính an toàn cho ngôi nhà. 

Tôi nghĩ cửa cuốn tiện lợi nhưng sự an toàn của căn nhà không nên phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Trong thời điểm hiện nay, những bộ khóa có cơ chế bảo mật không được tốt thì không nên dùng.

Khi mua khóa cửa cuốn nên có những người am hiểu về kỹ thuật tư vấn cho người dùng khóa đó có khả năng bảo mật đến mức nào, có chức năng bảo mật không hay chỉ là thu phát một cái mã được cài đặt bởi nhà sản xuất. Nói chung, người sử dụng đừng ham rẻ mà mua.

Trước khi mua phải có sự tư vấn về mặt kỹ thuật, cấu trúc của khóa như thế nào, khóa có khả năng bảo mật tốt hay không...

* Ông NGUYỄN MINH CHÂU (Cán bộ kỹ thuật Bkav):

Về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể chống việc bẻ khóa cửa cuốn bằng biện pháp tăng tính bảo mật của thiết bị bộ điều khiển. Hiện nay rất nhiều bộ điều khiển được bày bán trên thị trường chủ yếu dùng tần số và ID để lập trình quá trình đóng mở cửa.

Hiểu nôm na ID như địa chỉ nhà có thể cài đặt trước và khớp với chìa khóa (rơmote), khi chìa khóa phát tín hiệu đúng địa chỉ ID bộ thu tín hiệu thì cửa mở. Do các lập trình đơn giản này mà một số thiết bị có thể dò ra “địa chỉ ID” và mở cửa được.

Theo tôi, để tăng tính bảo mật, các nhà sản xuất cửa cuốn cần mã hóa từ chìa khóa đến thiết bị thu, phát tín hiệu, đồng thời việc mã hóa này thực hiện hai lớp. 

Cụ thể, khi ấn nút mở cửa thì tiếp tục thực hiện thêm một lệnh xác nhận việc mở cửa này. Nếu cả hai quá trình này đều được mã hóa thì các thiết bị dò mã muốn dò được có khi cũng phải mất vài năm!

Tuy nhiên, việc này phụ thuộc rất nhiều vào nhà sản xuất cửa cuốn, người bình thường khó có khả năng thực hiện được.

* Ông TRẦN BÁ THƯỜNG (Thợ sửa khóa cửa cuốn ở quận Gò Vấp, TPHCM):

Đối với những cửa cuốn thông thường, tín hiệu bảo mật không cao nên một số thiết bị điện tử có thể dò sóng phá mã để có thể can thiệp vào việc đóng mở cửa. 

Cũng không loại trừ khả năng gia chủ làm mất chìa khóa gốc, người khác nhặt được sao chép lại hoặc các nơi sửa khóa trong quá trình sao chép cài đặt lại làm lộ cơ chế bảo mật dẫn đến người khác biết được.

Hiện nay, theo tôi biết là chưa có thiết bị nào dùng để “chống lại” việc một thiết bị điện tử khác dò tần số sóng phát ra từ các cửa cuốn (nếu có thiết bị này thì kẻ xấu cũng sẽ vô hiệu hóa việc mở cửa của chủ nhà luôn).

Theo tôi, biện pháp đơn giản nhất là có thể dùng thêm khóa phụ thủ công, khi đó dù khóa cửa cuốn bị bẻ vẫn còn các khóa phụ này bảo vệ nhà. Ngoài ra, để chống việc bẻ khóa cửa cuốn hiệu quả, người dùng nên sử dụng cửa của các đơn vị sản xuất uy tín, mang tính bảo mật cao...

Trên thị trường hiện nay, dòng cửa cuốn Austdoor (do Úc sản xuất) hoặc Smartdoor (do Đức sản xuất), ngoài các tần số thì có thể lập trình cài thêm các mã nhảy (mã số thay đổi sau mỗi lần đóng mở cửa) nên dù có một số thiết bị có thể dò ra tần số phát sóng nhưng không thể can thiệp mở cửa được...

Theo tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ